Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phạm Mạnh Cường)
Hội nghị thu hút 1.500 cán bộ y tế trong cả nước tham gia bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hơn 50 báo cáo được trình bày tại hội nghị đã cập nhật các kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật mới nhất từ các chuyên gia đột quỵ hàng đầu ở trong nước và trên thế giới, có tính ứng dụng thực tế lâm sàng cao.
Những năm gần đây, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật kép, gồm các bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng như các bệnh lưu hành và sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh không lây nhiễm chính có 4 nhóm gồm: các bệnh về tim mạch (trong đó có đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp), các bệnh về ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường. Đây đều là các bệnh/nhóm bệnh gây ra những hậu quả nặng nề do tỷ lệ tử vong và tàn phế khá cao.
Đột quỵ não là bệnh không lây nhiễm thường gặp. Theo Hội đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15 đến 49 tuổi; mỗi năm có tới 6,5 triệu ca tử vong với hơn 6% trong số đó là người người trẻ. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200 nghìn ca bệnh đột quỵ và con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.
Đáng chú ý, cùng với việc được tiếp cận thầy thuốc sớm, thì trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại đã giúp người bệnh đột quỵ có thêm biện pháp điều trị mới, đem lại hiệu quả cao, giảm tỷ lệ tử vong cũng như tàn phế.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các cơ sở y tế trong cả nước tiếp tục cập nhật các kiến thức, kỹ thuật tiến bộ của các nước trên thế giới nhằm hoàn thiện hơn nữa các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cho người bị đột quỵ, tập trung vào việc tăng cường hợp tác quốc tế - nghiên cứu khoa học, xây dựng mạng lưới các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ đào tạo cũng như hợp tác triển khai các nghiên cứu trong lĩnh vực đột quỵ, đặc biệt quan tâm đến điều trị đột quỵ cho người trẻ là nhóm lao động chính trong xã hội.
Xây dựng các kế hoạch và hoạt động cụ thể nhằm nâng cao năng lực điều trị ở các tuyến. Do tính chất cấp bách về chuyên môn, cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chẩn đoán, điều trị, đặc biệt là ứng dụng phục vụ hội chẩn từ xa trong những tình huống khẩn cấp nhằm tăng khả năng tiếp cận với điều trị đột quỵ cho người bệnh ở những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, xa các thành phố, các khu đô thị có các bệnh viện chuyên khoa sâu về lĩnh vực này.
Tiếp tục bổ sung không ngừng đào tạo nhân lực chuyên ngành đột quỵ, kiện toàn mạng lưới điều trị đột quỵ trên khắp cả nước hướng tới điều trị và chăm sóc toàn diện cho người bệnh.
Bên cạnh điều trị, cần nghiên cứu tăng cường đào tạo về phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ, giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng của đột quỵ sau điều trị; đào tạo, nâng cao năng lực y tế các tuyến, tăng cường y tế cơ sở để tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động sàng lọc, phát hiện bệnh sớm và thực hiện quản lý, điều trị, chăm sóc lâu dài người mắc bệnh tại cộng đồng.
Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền về các yếu tố nguy cơ, kiểm soát yếu tố nguy cơ, tập trung vào tăng cường vận động thể lực, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là giảm tiêu thụ muối và nước ngọt, phòng chống tác hại của rượu, bia và thuốc lá.
Tại Hội nghị, Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ công bố kết quả sơ bộ nghiên cứu với sự tham gia của các trung tâm, đơn vị đột quỵ lớn ở cả ba miền đất nước. Tổng số có 2.310 người bệnh được thống kê, nghiên cứu. Độ tuổi trung bình của người bệnh đột quỵ là 65 tuổi, trong đó dưới dưới 45 tuổi chiếm 7,2%.
Tỷ lệ nam giới bị đột quỵ nhiều hơn nữ (cao hơn 2,5 lần), khác hoàn toàn nước ngoài. Kết quả phân loại đột quỵ cho thấy nhồi máu não chiếm 76% và chảy máu não 24% tổng số người bị đột quỵ. Tỷ lệ này cũng khác nước ngoài (thường tỷ lệ là 85% do nhồi máu não và 15% do nhồi máu não).
Tỷ lệ người bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu vẫn còn thấp, mới có 33% số người được nghiên cứu. Trong đó mới có 14% người bệnh vào cấp cứu được điều trị tái tưới máu.
Từ kết quả nghiên cứu các chuyên gia sẽ đưa ra các khuyến cáo cụ thể về các biện pháp phòng ngừa và điều trị đột quỵ tại Việt Nam. Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp các giảm yếu tố nguy cơ, cần chú trọng hơn nữa cấp cứu trước viện; rút ngắn thủ tục cấp cứu để người bệnh được áp dụng biện pháp điều trị sớm nhất…
Theo Báo Nhân Dân