Dọc theo mấy con đường vùng Bảy Núi, cái nắng chang chang phủ đầy. Ngoài ruộng xa, chan chát màu nâu của đất, hoặc màu cát trắng mênh mông. Sống đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Chau Tên (xã Văn Giáo, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) thừa nhận, đây là mùa khô khắc nghiệt và kéo dài “hiếm thấy” ở vùng Bảy Núi.
“Hồi trước có nắng, nhưng không khó chịu như bây giờ. Lúc đó, ra gốc cây ngồi là thấy mát rượi. Giờ thì đi đâu cũng thấy nóng. Tui ở trong nhà không chịu nổi, phải ra đồng hóng gió, không đỡ được bao nhiêu. Với lại, hồi trước cứ tới đầu tháng 3 (âm lịch) đã có mưa, nông dân canh tác ở mấy ô ruộng cao bắt đầu xuống giống. Năm nay, cuối tháng 3 mà vẫn còn khô khốc, chưa trồng được cây gì để có nguồn thu” - ông Chau Tên thiệt tình.
Vừa trò chuyện với tôi, ông vừa nhăn mặt do cái nóng từ đồng xa theo cơn gió thổi tạt vào. Luôn tay phe phẩy chiếc quạt lá buông, nhưng mồ hôi vẫn đổ dài trên gương mặt hằn dấu chân chim. Theo lời ông, Nhà nước đầu tư đường nước máy nên đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Khmer như ông đỡ vất vả. Chứ vài chục năm trước, gặp mùa khô khắc nghiệt này thì người dân rất cực, chưa nói đến việc trồng được cây lúa, cây đậu để có cái ăn.
Nông dân Tà Lọt đang chờ mùa rẫy mới
“Mấy chỗ có đường nước thủy lợi, người ta còn trồng bắp, khoai lang hay đậu phộng. Như ruộng nhà tui, thì phải chờ mưa. Thời tiết khắc nghiệt, mình phải ráng chịu cho qua, chứ đâu thể cãi ông trời. Mấy nay đã có mưa vài đám, chắc không lâu nữa thì tiết trời mát dịu” - ông Chau Tên hy vọng.
Mang danh “xứ rẫy” của vùng Bảy Núi, thung lũng Tà Lọt là nơi sản xuất rau màu sản lượng rất khá. Cứ đến mùa mưa, vùng đất nằm dưới chân núi Cấm (TX. Tịnh Biên) và núi Dài (huyện Tri Tôn) lại trở mình với những mảng màu xanh ngát của vườn xoài, lồng mức, mãng cầu, hay mê mắt với ô rẫy tốt tươi. Hầu hết nông sản đều góp mặt ở đây, từ khổ qua, dưa leo cho đến mướp, bầu... được bạn hàng từ vùng lân cận đến thu mua tấp nập.
Do thung lũng Tà Lọt nằm giữa xã Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì, thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) và xã An Hảo, An Cư (TX. Tịnh Biên) nên việc vận chuyển nông sản đi các chợ trong vùng khá thuận tiện. Ngoài dân định cư lâu năm, Tà Lọt còn có nhiều lao động vùng lân cận đến đây chăm sóc vườn đồi, vườn rừng, trồng trọt rau màu và làm thuê. Bởi thế, mùa mưa là thời điểm thung lũng này trở nên nhộn nhịp. Tuy nhiên, mùa khô kéo dài, nên Tà Lọt giờ này vẫn chưa trở lại nhịp sống hàng năm.
Sống ở Tà Lọt khoảng 15 năm, ông Nguyễn Văn Đức (xã Châu Lăng) khẳng định: “Đây là năm khô hạn nhất ở Tà Lọt mà tui từng biết. Năm 2016, mùa khô cũng khắc nghiệt, nhưng không bằng năm nay. Ngồi trong nhà ban trưa, mà cứ tưởng ngồi trong lò lửa. Con người không chịu được, cây cối làm sao sống! Ngày này mọi năm rẫy đã xanh đồng, vườn tược tốt tươi. Có năm mưa sớm từ cuối tháng 2 (âm lịch), người trồng rau ngắn ngày đã có lứa thu hoạch đầu tiên”.
Ông Đức cho hay, nông dân Tà Lọt đã làm đất sẵn, chỉ đợi mưa là xuống giống. Ngặt nỗi, mưa cứ lòng vòng ở vùng lân cận mà chưa đến Tà Lọt. Nếu đến, thì cũng chỉ mấy giọt “cầm hơi”. Nhờ được đầu tư lưới điện và đường ống nước máy, nên người dân yên tâm đi qua mùa khô cháy da này.
Ông Đức nhận định, mưa trễ làm mùa rẫy ở Tà Lọt rút ngắn lại, ảnh hưởng đến nguồn thu của nông dân. Chỉ tay lên những mảng rừng vàng xám trên triền cao, ông Đức cho biết, mọi năm nơi ấy đã lún phún xanh, chứ đâu phải cành gầy trơ xương khô khốc như hiện tại. Do đó, người dân ở Tà Lọt vẫn còn lo lắm!
Là dân trồng vườn trên núi Dài, ông Nguyễn Văn Cư (ngụ xã Châu Lăng) cũng khá lo lắng cho vườn mãng cầu của mình. Nếu thiếu nước, khả năng ông sẽ mất trắng. Do đó, nông dân này đang mong mưa từng ngày. Mỗi lần thấy bầu trời kéo mây đen, ông lại mở cờ trong bụng. Tuy nhiên, chỉ mấy hạt mưa lất phất chưa làm mát lòng người dân Tà Lọt. Phải cần đến vài trận mưa lớn, cây cối mới có thể đâm chồi, nảy lộc để nuôi sống con người.
“Đêm trước nằm nghe mưa lách tách trên mái nhà, tui mừng không kể xiết. Dù mưa nhỏ, nhưng ít ra cũng dịu bớt cái nóng. Hy vọng, vài hôm nữa mưa thiệt lớn, để mùa rẫy ở Tà Lọt bắt đầu, cho nông dân xứ này có nguồn thu mà trang trải đời sống cả năm dài” - ông Cư mong mỏi.
Chia tay những nông dân cần cù ở vùng Bảy Núi, tôi trở về dưới bầu trời xám xịt mây đen. Mong rằng, những cơn mưa sẽ đến để nông dân như ông Chau Tên, ông Đức, ông Cư được mát lòng, sẵn sàng trở lại mùa sản xuất tất bật nhất trong năm.
THANH TIẾN