Món quà bất ngờ

23/12/2023 - 09:32

1. Nhà tôi vì một số lý do mà phải dời từ đồng lên núi, chuyển đến xóm Lạc Đạo sinh sống. Tôi tự lý giải, chắc do ngày xưa, cả xóm chuyên trồng cây lạc (đậu phọng), lại thêm cả xóm gần như theo đạo nên mới có tên Lạc Đạo. Cũng vì vậy mà nhà tôi, không làm nông, không có tôn giáo nào, tôi ví von nhà mình lạc vào xóm Đạo.

Minh họa: Internet

“Lạc vào xóm Đạo” – lúc đầu chỉ nói tếu cho vui, tại hơi thất vọng. Trước ở xóm đồng, nhà dân san sát nhau, ra ngõ gặp người quen, nói cười ríu rít. Giờ ba quyết bán đất, bán nhà đùm túm lên đây, chim kêu vượn hú. Xóm này nhà cửa thưa thớt, ai cũng lạ hoắc lạ huơ.

Nhưng được một thời gian, tôi lại thấy mình hợp với nơi này – vùng đất đỏ toàn cây ăn trái, hết bơ tới mít, tới xoài. Vui nhất là khi lốc lịch được xé đến tháng cuối cùng. Rộn ràng phải biết. Dù nghèo nhưng nhà nào cũng trang trí đẹp nhất có thể để chào đón Giáng sinh. Nhỏ giờ không biết vụ này. Tôi ham lắm, coi người lớn làm, lăng xăng đòi giúp cái nọ, cái kia. Nhưng dễ gì…

Tôi thấy cái gì cũng hay, cũng lạ. Dù chỉ cây thông tượng trưng nhưng khi đính lên đó những hộp quà nhỏ xíu, những ngọn đèn đủ màu là lộng lẫy, diệu kì. Tiết mục được trông chờ nhất là công trình Hang Đá và Máng Cỏ. Tôi cứ đứng nấn ná chờ cho xong để được thinh lặng chiêm ngưỡng, mặc kệ chị Hai ơi ới kêu về tắm rửa, cơm nước.

- Sao nhà mình hổng làm cho đẹp để đón Giáng sinh hả hai?

- Tại không theo đạo.

- Vậy muốn đón Giáng sinh phải theo đạo hả?

- Không phải. Chúa thì ai cũng có thể chào đón. Có điều phải nhà giàu mới làm kiểu đó.

- Còn quà, những đứa trẻ không theo đạo có được quà của ông già Noel không ?

- Chắc được. Nhưng mầy qua tuổi “đứa trẻ” lâu rồi.

Ôi trời! Qua đâu mà qua, người ta mới học lớp 6 thôi mà. Nhưng trước đó, khi là một đứa trẻ “chính chủ”, tôi cũng có biết gì đến món quà Giáng sinh. Chán ơi là chán!

2. Ra trường, muốn đi làm liền nên không ngần ngại đầu quân cho ngôi trường xa và sâu nhất của tỉnh. Xã chỉ gần ngàn dân, đất rộng người thưa. Vào mùa mưa, nhìn đâu cũng chỉ thấy khói núi. Cỡ giũa tháng mười hai thì lạnh đến tê cóng. Đường sá lầy lội, không có dấu chân người. À, chắc chỉ có học trò. Các em tới trường, lao xao nói chuyện Noel. Tự dưng nhớ hồi nhỏ ở Lạc Đạo nên tranh thủ góp vui với các em: Hồi nhỏ ở xóm cô, Giáng sinh vui phải biết.

- Ở đây cũng vui mà cô.

Tôi hỏi: Cái nhà thờ nhỏ xíu chỗ xóm Lò Gạch hả ?

Các em dạ rồi nói vui lắm cô. Đi với tụi em nha? Ban đầu định không đi. Nhưng tối đó trời không mưa nên cũng mặc áo đầm đỏ, choàng khăn đỏ đến nhà thờ.

Nhà thờ nhỏ bé và giản dị nhưng cũng đủ đầy cây thông, hang đá, máng cỏ. Vài em học sinh được ba, mẹ đưa đi. Riêng cô bé lớp trưởng bất ngờ thấy tôi, vui mừng chạy lại níu tay, líu ríu suốt. Bé An hỏi đủ thứ nhưng tôi chỉ kể chuyện nhà kia có ba cô gái trẻ đến tuổi lập gia đình nhưng không có chàng trai nào ngó đến vì gia cảnh quá nghèo. Đức giám mục Myra rất thương xót nên đã ném những đồng tiền vàng xuống ống khói nhà của ba cô gái. Những đồng tiền vàng rơi từ trên nóc nhà xuống, rơi đúng vào các đôi vớ mà các cô treo hong bên lò sưởi. Khỏi phải nói cũng biết rằng các cô vui mừng đến thế nào. Câu chuyện thần kỳ được lan truyền đi khắp nơi, ai ai cũng muốn mình trở thành người may mắn nên đều bắt chước ba cô gái treo vớ bên lò sưởi để hy vọng nhận được quà.

- Năm sau, em cũng sẽ treo đôi vớ. Nhưng nhà em không có ống khói. À, em sẽ treo nó ở cái trụ trước sân.

- Ừ, cứ treo đi, rồi em sẽ có quà. Nhưng với điều kiện phải ngoan ngoãn và chăm chỉ.

- Dạ!

Nói xong, tôi đã nghĩ bằng cách nào đó sẽ nói với ba bé An về món quà bất ngờ trong đêm Giáng sinh để cô bé tin điều diệu kỳ sẽ chỉ xảy ra với một cô bé ngoan ngoãn. Tội nghiệp, bé An bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ. Ba em gà trống nuôi con, lại làm nghề tự do nên thời gian dành cho bé An quá ít.

Sau đêm Giáng sinh đó, cô trò trở nên thân thiết hơn. Học trò gặp cô là vui mừng, ngả ào vào ngực như cái cách đứa con tìm hơi ấm mẹ. Tôi cũng yêu mến em, hơn mức cô – trò theo nghĩa đẹp nhất của từ này. Nhiều khi tôi cũng không hiểu nổi cảm giác pha lẫn giữa lâng lâng ,nao nao và nhoi nhói xúc động của mình. Đó là mỗi lần bắt gặp đôi mắt em nhìn tôi, cứ như nhìn thăm thẳm vào trai tim tôi vậy. Đôi mắt khao khát yêu thương. Đôi mắt khiến người được nhìn không thể chối từ.

Em đi học sớm, hí hửng chạy xuống, lấp ló trước cửa nội trú, nếu thấy tôi, em cong 2 tay trên đỉnh đầu, ra dấu “ I love you”. Lên lớp, mỗi khi có điểm chín, điểm mười thì chạy đi tìm tôi để khoe. Hôm nọ, mặt mày tái mét, em chạy xuống nội trú tìm tôi, đưa tay chỉ vào vết máu đỏ rịm trên chiếc quần xanh. Tôi lo cho em như bà mẹ lo cho cô con gái dậy thì sớm. Nếu bữa nào ba đi làm cả ngày, buổi trưa nhõng nhẻo: Cô ơi ăn cơm một mình buồn muốn khóc. Tôi bảo lại khu nội trú ăn cơm với tôi rồi về.

Rồi một ngày, ngày buồn đau nhất đời em, người ta đưa ba em từ thị xã về, đã mất vì tai nạn giao thông trong một hôm đi làm về đêm. Người bác và hàng xóm đứng ra lo liệu hậu sự cho ba em.

Không có ba, bé An vẫn kiên cường ở nhà chứ không qua nhà bác. Tôi không dám hỏi gì nhưng em chủ động tâm sự. An bảo mỗi đêm, học bài xong, em nằm ngủ trước bàn thờ của ba. Mỗi khi đi học về, An đứng trước bàn thờ, thầm nói: “Ba xem chữ con sạch đẹp”. Thương! Bé An nói với tôi: “Bây giờ tôi mới có cơ hội trò chuyện chứ ngày trước ba đi suốt, chẳng biết nói cùng ai. May tới trường gặp cô”…Tôi sững vài giây để nhìn em. Chỉ một câu nói mà nhói tận tim gan.

3. Khu nội trú tạm thời bị thu hồi. Thực ra, nó là căn nhà cho mượn, giờ người ta khó khăn nên lấy lại để bán. Nhà trường nhanh chóng tìm được chỗ ở mới cho giáo viên. Tôi thu dọn đồ đạc và yên tâm đến nơi ở mới cho đến khi nhìn thấy cô bé học trò đứng ngay cửa lúc cô giáo khệ nệ mang túi đồ đi ra.

- Ủa, bé tìm cô hả?

- Dạ!

- Có gì không … (c…o…n) … bé yêu?

Tuy chưa từng làm mẹ nhưng mỗi lần thấy ánh mắt trong trẻo khát khao đó là tôi chỉ muốn thốt tiếng gọi “ con yêu”. Nhưng lần nào cũng vậy, lời đã trào lên tới cổ, tôi lại cố đẩy nó xuống. Tôi sợ một tiếng gọi sẽ làm cô bé hạnh phúc tột đỉnh rồi sự thất vọng sẽ nhân đôi vì tôi rốt cuộc cũng chỉ là một cô giáo. Tôi biết, cô bé đang cần một vòng tay và cần nhiều hơn thế nữa.

- Cô ơi, chú kia bảo tối nay tới nhà thờ nhận quà.

- Ừ, thích vậy ta. Cô ước gì giờ mình cũng trở thành một cô bé để được nhận quà của ông già Noel nè!

- Nhưng em ước được làm … người lớn… như cô?

- Sao vậy bé yêu ?

- Em không dám đến nhà thờ một mình.

Tôi giật mình vì lời nói mềm ra, như sắp khóc của em. Mình vô tâm quá, giỡn lố rồi. Tôi đành phải tìm cách xin lỗi.

- Không sao, tối cô sẽ đưa bé đến nhà thờ.

- Nhưng giờ cô không còn ở nội trú nữa, em biết đi đâu tìm cô?

- Em cứ ở yên đấy. Cô sẽ đến tìm em.

Tôi chọn bộ đồ màu Giáng sinh để đến nhà em. Tới nơi, An đã ngồi chờ sẵn ở cửa. Chiếc áo, mũ ông già Noel hơi chật so với em. Chắc là đồ cũ

Đêm đó, tôi để em chơi thoải mái với bạn bè đến 21 giờ mới về nhà. Xe dừng trước cửa. Em cảm ơn tôi. Tôi chần chừ. Bỏ em một mình trong ngôi nhà lạnh lẽo trong đêm Giáng sinh, tôi thật không đành lòng.

Tôi đã ở lại, để em nằm trên cánh tay mình mà ngủ. Em bảo đây là món quà Giáng sinh tuyệt nhất. Tôi ôm em vào lòng, khẽ nói “ Chúc con gái ngủ ngon!”./.

Theo NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN (Báo Long An)