Tết đoàn viên” là cụm từ không cần giải thích nhưng ai cũng hiểu được ý nghĩa. Tết là thời điểm những người con xa quê nô nức trở về bên mái ấm gia đình để cùng người thân tề tựu chào đón thời khắc giao thừa thiêng liêng, cầu mong năm mới bình an, sung túc.
Một mùa xuân nữa lại về, các hoạt động sắm sửa, trang hoàng nhà cửa được mọi người, mọi nhà tất bật chuẩn bị. Những ngày cận Tết năm nay, gia đình bà Lê Thị Nhạn (ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) không chỉ tân trang nhà cửa mà còn làm thêm 2 gian phòng để đón con cháu về sum họp.
Bà Nhạn chia sẻ: “Gia đình có 3 đứa con, khi trưởng thành đều xa quê lập nghiệp, sau đó có vợ, có chồng, mỗi năm về nhà một lần, ngày Tết cũng không về đầy đủ. Năm nay, anh em tụi nó cùng nhau về đón giao thừa và ở lại đến hết Tết, nên ba nó quyết định làm thêm 2 căn phòng để tụi nhỏ có chỗ nghỉ ngơi thoải mái. Năm nay, gia đình tôi ăn Tết lớn!”.
Sum vầy vào dịp Tết Nguyên đán không chỉ là sự mong đợi của riêng những bậc sinh thành, mà đó còn là nỗi niềm của những người con sống xa gia đình. Những ký ức về khung cảnh cùng người thân vui vầy bên bếp lửa nấu nồi bánh tét, bánh chưng ngày Tết, rồi vùi thêm vài củ khoai vào bếp than hồng, hoặc nướng mấy chiếc bánh phồng để chia nhau trong lúc chờ bánh chín mãi là miền thương nhớ không phai, thôi thúc người xa quê mong mỏi trở về.
Rời quê nhà tỉnh Thanh Hóa gần 15 năm, anh Đặng Minh Triều (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Những năm đầu vào miền Nam lập nghiệp, kinh tế chưa ổn định nên vài năm tôi mới về quê một lần. Khoảng 5 năm gần đây, đời sống khấm khá hơn nên tôi đưa vợ, con về quê vào mỗi dịp Tết để thăm bố mẹ, họ hàng. Tết vừa rồi, dịch bệnh chưa ổn định, vợ chồng tôi đang có cháu nhỏ nên không thể về đón Tết cùng bố mẹ, khiến ngày Tết kém vui. Trong lòng cứ nhớ mãi khung cảnh ấm cúng cùng bố mẹ chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn gói bánh chưng. Năm nay, gia đình nhỏ của tôi nhất định phải về quê để các cháu cùng vui Tết với ông bà”.
Cũng là người sống xa quê, mỗi khi Tết đến, xuân về, chị Ngô Thanh Thùy (ngụ phường Mỹ Phước) đều thu xếp công việc buôn bán của gia đình, để cùng chồng và 2 con về quê nhà của chị đón Tết cùng gia đình. Chị Thùy kể: “Quê tôi thuộc miền Đông Nam Bộ, ba mẹ tôi có 2 con gái, lớn lên đều lấy chồng xa quê, trong nhà giờ đây chỉ còn 2 người lớn tuổi thui thủi bên nhau, hàng năm đều mong con về nhà đón Tết. Tuy có cuộc sống riêng, nhưng năm nào chị em tôi cũng dành thời gian về ăn Tết cùng ba mẹ. Mỗi lần sum họp, cả nhà trò chuyện tới nửa đêm, nhiều câu chuyện được kể lại, không gian gia đình rất ấm cúng. Dù không nói ra nhưng tôi biết, ba mẹ vui lắm! Đối với tôi, niềm vui ở bên ba mẹ là điều rất thiêng liêng, ngày Tết chỉ thật sự có ý nghĩa khi được ở bên những người thân yêu”.
Còn đối với anh Nguyễn Thiện Tường (ngụ huyện Châu Phú) đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Tết năm nay sẽ là mùa Tết đoàn viên thứ 2 của anh và gia đình, sau 6 năm tự mình tận hưởng kỳ nghỉ Tết bằng hình thức du lịch cùng bạn bè. Vốn là người đam mê “xê dịch” nhưng thời gian không cho phép anh thực hiện đam mê.
Vì vậy, anh Tường tận dụng những ngày nghỉ Tết để thực hiện những chuyến đi trải nghiệm trên khắp mọi miền đất nước. “6 năm làm việc tại TP. Hồ Chí Minh là 6 mùa Tết, tôi thực hiện những chuyến đi phượt trải nghiệm cùng nhóm bạn. Tết năm rồi, tôi ở nhà phụ ba quét dọn vườn tược, chở mẹ đi chợ mua hoa, bánh trái. Chỉ vậy thôi, niềm vui hiện rõ trên mặt ba mẹ của tôi, mọi người trong gia đình vui vẻ nói chuyện, cười đùa cả ngày. Điều đó khiến tôi nhận ra, niềm vui lớn nhất của ba mẹ là ngày Tết có mặt đầy đủ con cái, xum vầy gia đình.
Còn bản thân tôi, những năm qua đã không quan tâm đến niềm vui sum họp gia đình, không nghĩ đến sự mong mỏi của người thân. Vì vậy, Tết năm nay, tôi tiếp tục về nhà ăn Tết, sẽ trân trọng những cơ hội được ở bên ba mẹ để sau này không phải hối tiếc. Nếu có đi du lịch vào ngày Tết, tôi sẽ đi cùng gia đình để mọi người được ở bên nhau”.
Thời điểm này, mọi nhà đang tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Những chuyến tàu, xe bắt đầu đông đúc, những người bôn ba xa xứ tấp nập trở về. Dù có vất vả, khoảng cách xa xôi, dù ra Bắc hay vào Nam nhưng có lẽ tất cả đều hân hoan, chỉ cần về kịp bữa cơm chiều cuối năm, kể nhau nghe những niềm vui, nỗi buồn sau những ngày xa cách...
MỸ LINH