Một góc nhìn về “nghề YouTuber”

06/04/2021 - 16:58

 - Một cán bộ về hưu băn khoăn: gần đây, không ít người bộc lộ ước mơ sẽ làm một “YouTuber” để kiếm sống, vì nghề này "hái ra tiền". Công nghệ hiện đại làm nhịp sống thay đổi, xu hướng nghề nghiệp cũng thay đổi theo. Thế nhưng, trên đời này làm gì có nghề nào nhàn hạ mà lại thu nhập cao, ai cũng làm được?

YouTuber là những người sáng tạo nội dung và chia sẻ video trên YouTube. Hay nói cách khác, YouTube cho phép tất cả mọi người được tạo tài khoản và chia sẻ với tất cả mọi người những video do chính mình làm ra. Tương tự như các tài khoản mạng xã hội khác, bất kỳ người nào đều có thể trở thành YouTuber. Thật ra, có cầu ắt có cung. Sự ra đời và phát triển ồ ạt của YouTuber là xu hướng tất yếu, phù hợp với cuộc sống hiện tại. Mỗi ngày, công chúng cần một lượng lớn thông tin từ các mạng xã hội, truyền thông để lấp đầy nhu cầu giải trí, học tập, làm việc… của mình. Những video miễn phí, nội dung phong phú trên mạng Internet sẽ ít nhiều thu hút họ, mở mang kiến thức và trải nghiệm. Lúc đầu, chỉ là chia sẻ những điều thú vị, những trải nghiệm hàng ngày của họ. Dần dần, khi lượng tương tác, theo dõi nhiều, họ sẽ chính thức trở thành YouTuber chuyên nghiệp, được nhận thù lao từ công sức đã bỏ ra.

Việc kiếm tiền từ công việc này hoàn toàn hợp pháp, chân chính. Thậm chí, công việc còn mang lại thu nhập rất hấp dẫn, nếu kênh lập ra đạt được những yêu cầu của YouTube thì chủ sở hữu sẽ có thể kiếm được số tiền không hề nhỏ. Hiểu được điều này, không ít người lập kênh YouTube với sự đầu tư, xây dựng nghiêm túc và coi đây là nguồn thu nhập chính. Để có thể kiếm được tiền, Youtuber phải để video của mình ở chế độ công khai và bật nút kiếm tiền. Sau khi kênh YouTube có hơn 4.000 giờ xem trong vòng 12 tháng và có ít nhất 1.000 người theo dõi, chủ kênh sẽ bắt đầu nhận được thu nhập. Thu nhập của YouTuber được tính theo phần trăm trích từ doanh thu mà YouTube kiếm được thông qua các quảng cáo đặt lên video. Ngoài ra, thu nhập của YouTuber còn đến từ những gói dịch vụ đặc biệt mà YouTube bán cho người xem, như: YouTube Premium (xem video không có quảng cáo), gói subscribe (xem video trước với chất lượng cao hơn), superchat (tương tác với chủ kênh YouTube)... Số tiền được thanh toán tối thiểu là 100USD qua hình thức chuyển tiền Western Union, tài khoản ngân hàng... Sở hữu một kênh YouTube được nhiều người biết đến giúp YouTuber có thể nhận được hợp đồng quảng cáo từ nhiều nhãn hàng. Theo ước tính của Social Blade, năm 2019, số tiền các Youtuber hàng đầu thị trường Việt Nam hiện nay thu về có thể dao động trong khoảng 500 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Khác với người làm truyền thông đại chúng chuyên nghiệp như báo chí, các YouTuber không cần đầu tư máy móc chất lượng cao, hay phải có một ê-kíp hùng hậu. Họ chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có khả năng quay video là đủ. Việc sản xuất, cắt ghép, dựng video được thực hiện rất nhanh gọn, đơn giản. Người xem không đòi hỏi ở YouTuber những video cầu kỳ, chuyên nghiệp. Cái họ cần là sự mới lạ, hài hước, phù hợp thị hiếu giải trí, nhu cầu tìm hiểu kiến thức của họ.

Thế nhưng, không phải YouTuber nào cũng thành công. Số lượng người thành công và trụ được với “nghề” chỉ là bề nổi. Mỗi YouTuber cần nhiều thời gian và công sức để phát triển một kênh YouTube từ số 0, rất nhiều video được sáng tạo nhưng không hề đem lại thu nhập. Không phải ai cũng may mắn tìm được hướng đi riêng cho mình, trong hàng vạn kênh YouTube đang hoạt động mỗi ngày. Và cũng không phải lối đi riêng nào cũng được duy trì lâu dài. Những kênh YouTube nhảm nhí, phản cảm, đầu độc tâm hồn trẻ em, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội… dù có lượt tương tác cao, nhưng sớm hay muộn đều gánh chịu hậu quả nặng nề: bị xử phạt, bị xóa kênh, bị người xem tẩy chay.

Trở lại nỗi băn khoăn của vị cán bộ hưu trí - đồng thời là băn khoăn của nhiều người rằng, YouTuber có phải là một nghề cần định hướng cho giới trẻ lập nghiệp hay không, tôi cho rằng có. Nghề nào cũng là nghề, miễn tạo ra thu nhập chính đáng, phù hợp sở trường, sở thích của người làm. Nếu đủ đam mê, biết cách sáng tạo, hoạch định rõ ràng hướng đi cho công việc, thực hiện chúng bằng tất cả sự nghiêm túc, gắn với lợi ích của xã hội, thì hạt giống sẽ cho quả ngọt. Nhưng, nếu đặt mục đích tìm kiếm thu nhập bằng mọi giá, bất chấp quy định của pháp luật và đạo đức xã hội thì thất bại là điều hiển nhiên!

Theo một thống kê của Hootsuite, YouTube đang chiếm giữ tiềm năng to lớn: hơn 2 tỷ người dùng đăng nhập hàng tháng; là nền tảng mạng xã hội phổ biến thứ 2 trên thế giới, sau Facebook. Trung bình mỗi khách truy cập dành hơn 12 phút trên YouTube. Nội dung trên YouTube vô cùng đa dạng, như: video âm nhạc, đoạn chương trình, giới thiệu phim, bản ghi âm và một số video sáng tạo khác. Mỗi ngày, YouTube thu hút hơn 30 tỷ lượt xem và cứ trung bình mỗi phút có hơn 300 giờ video được cập nhật.


AN KHANG

 

Liên kết hữu ích