Một năm vượt khó của doanh nghiệp để “giữ chân” người lao động

03/12/2020 - 04:41

 - Năm 2020 là năm nhiều khó khăn của hầu hết doanh nghiệp (DN), nhất là chịu những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Không chỉ trăn trở về tình hình sản xuất - kinh doanh (SXKD), các đơn vị còn phải xoay sở nhiều giải pháp để đảm bảo việc làm, thu nhập nhằm giữ chân người lao động (NLĐ). Trong đó, nhiều DN khu vực ngoài nhà nước đã chủ động nhạy bén, vượt khó với những cách làm thiết thực triển khai tại đơn vị của mình.

Toàn tỉnh An Giang hiện có hơn 49.300 lao động, 240 công đoàn cơ sở với trên 44.300 đoàn viên trong khu vực SXKD. Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, từ đầu năm đến nay số lao động và đoàn viên giảm trên 5.000 người. Các DN đã thực hiện đúng quy định pháp luật về mức lương tối thiểu vùng, đóng các loại bảo hiểm, đồng thời đều chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ, UBND tỉnh và ngành y tế khuyến cáo về cách phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng.

Tại Khu công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành), trong thời gian giãn cách xã hội, để duy trì SXKD và việc làm của công nhân, Công ty TNHH Oriental Garment An Giang có giải pháp tạo 560 vách ngăn chỗ ngồi bằng carton để hạn chế NLĐ tiếp xúc gần với nhau khi ăn giữa ca.

Còn Công ty TNHH NV Apparel kẻ vạch để NLĐ giữ khoảng cách khi xếp hàng quẹt thẻ, chia các bữa ăn giữa ca thành nhiều đợt để không tập trung đông người, đồng thời thiết kế lại các bàn ăn chỉ cho 2 NLĐ ngồi ăn, giữ khoảng cách đúng 2m. Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm tiến hành sắp xếp dây chuyền sản xuất, giờ ăn chia theo từng đợt, tuân thủ về khoảng cách; Công TNHH MTV Phà An Giang vẽ bàn cờ ca-rô trên các chuyến phà để đảm bảo hành khách cũng như NLĐ làm việc đúng ở các vị trí…

Đưa các buổi tuyên truyền phù hợp, sinh động vào doanh nghiệp để nâng cao kiến thức cho công nhân

Trong giai đoạn khó khăn nhất, nhiều DN đã không “bỏ rơi” NLĐ của mình, ngược lại còn chia sẻ để họ đỡ phần nào nỗi lo “cơm áo”. Điển hình như Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang đã hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, tặng 200 suất quà trị giá 500.000 đồng/suất cho NLĐ trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã tạo điều kiện để NLĐ gián tiếp làm việc tại nhà, hội họp trực tuyến, cho nghỉ phép năm, nghỉ bù không bị trừ lương, không giảm lương. Công ty Cổ phần Cảng An Giang dành kinh phí hơn 100 triệu đồng để trao 297 phần quà hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với công nhân xếp dỡ thủ công tại cảng. Công ty Cổ phần Điện nước An Giang chi hơn 100 triệu đồng trang bị khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, nón màng che và cấp tiền cho 1.380 đoàn viên, NLĐ của mình. Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hạnh phúc trích quỹ dự phòng để hỗ trợ cho mỗi nhân viên bị ảnh hưởng thu nhập 500.000 đồng/người/tháng…

Luôn trân trọng NLĐ - vốn quý của DN, các công ty còn quan tâm chăm lo, phúc lợi toàn diện đời sống vật chất, tinh thần vào các dịp lễ, Tết, kỷ niệm về giới, ngày lễ trọng của đất nước, khen thưởng con cháu là con NLĐ có thành tích học tập tốt, hỗ trợ và thăm hỏi kịp thời những trường hợp khó khăn, ốm đau, tai nạn hoặc người thân bị bệnh tật… với số tiền trên 10 tỷ đồng.

Dù trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các DN vẫn tạo điều kiện, phối hợp nhịp nhàng với tổ chức công đoàn để đẩy mạnh, linh hoạt công tác tuyên truyền, tập trung xoay quanh các nội dung pháp luật lao động và phòng, chống HIV/AIDS, pháp luật về an toàn giao thông, chương trình nâng cao trình độ học tập, tay nghề… góp phần tích cực nâng cao nhận thức về pháp luật, các kiến thức, kỹ năng cần thiết để NLĐ thích nghi trong môi trường làm việc thời đại công nghệ.

Theo khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, thu nhập của NLĐ trong khu vực SXKD hiện nay bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng; trên 80% NLĐ được ký kết hợp đồng lao động, 79% NLĐ được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm. Tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể và đình công tự phát giảm đáng kể. Hầu hết cán bộ, đoàn viên, NLĐ trong các DN và tổ chức công đoàn đều chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực lao động sản xuất, chia sẻ, đồng hành cùng DN khắc phục khó khăn, thực hiện tốt kế hoạch SXKD đề ra. Trong tiêu chí xét chọn danh hiệu “DN vì NLĐ” năm 2020, những nội dung chăm lo của DN kể trên là mặt nổi trội tích cực được đánh giá cao và đề xuất UBND tỉnh tuyên dương.

MỸ HẠNH