Mùa củ huyền Bảy Núi

08/01/2019 - 07:46

 - Những ngày này, các hộ dân vùng Bảy Núi đang vào mùa thu hoạch và sản xuất bột huyền, một loại nông sản độc đáo chỉ có ở vùng Bảy Núi, có thể chế biến thêm nhiều món ăn, thức uống bổ dưỡng cho cơ thể.

Theo người dân nơi đây, củ huyền có hình dạng giống như khoai tây, thích hợp với đất ven chân núi, chịu râm mát dưới tán rừng, dễ trồng và dễ chăm sóc. Củ huyền được các hộ dân ven chân núi Kéc, núi Dài nhỏ, núi Trà Sư… trồng xen canh trên diện tích đất vùng cao, dưới tán vườn đồi, vườn rừng, mỗi hộ trồng trung bình từ 2 - 3 công. Ông Trần Văn Ký (ngụ ấp núi Kéc, xã Thới Sơn, Tịnh Biên) cho biết, nông sản xứ núi thường lệ thuộc vào thời tiết, củ huyền cũng không ngoại lệ. Những cơn mưa đầu mùa làm đất núi tơi xốp là lúc người dân chuẩn bị đào lỗ, bỏ củ huyền giống xuống trồng. Chỉ cần tưới nước tập trung lúc mới xuống giống đến lúc cây lên xanh là được. Khoảng tháng 10 (âm lịch) là có thể thu hoạch củ huyền để làm bột, thời gian thu hoạch củ huyền có thể kéo dài đến khoảng tháng giêng năm sau, nếu trễ hơn thì lượng bột của củ huyền làm ra rất ít. Do tính thích nghi đất đai, khí hậu, chống chịu được hạn, người trồng củ huyền xứ núi nhẹ công chăm sóc, số lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không như các loại cây trồng khác. “Củ huyền được trồng dưới tán rừng chỉ cần làm cỏ, bón thêm vài lần phân hữu cơ bổ sung cho củ phát triển tốt. Còn nếu củ huyền được trồng xen dưới vườn đồi, vườn rừng không chỉ tiện lợi cho việc chăm sóc, mà còn có tác dụng giữ nước vào mùa khô cho các cây ăn trái khác. Bên cạnh đó còn mang lại thêm nguồn thu nhập cho người trồng từ việc bán củ hoặc làm bột huyền…” - ông Ký chia sẻ.

Mùa củ huyền Bảy Núi

Bà Trần Thị Thiệt đang phơi bột huyền tinh

Để tăng thêm thu nhập từ củ huyền thô bán với giá 2.500-3.000 đồng/kg, người dân trồng củ huyền ở Bảy Núi đã bỏ công để chế biến bột huyền tinh giúp tăng giá trị và có thể bảo quản lâu hơn. Có truyền thống trồng và chế biến bột huyền đã nhiều thế hệ, bà Bùi Thị Dung (Tịnh Biên) chia sẻ, công đoạn làm bột huyền không khó, nhưng phải kỹ lưỡng nếu không bột sẽ bị đắng. Đa số người sản xuất và chế biến bột huyền vẫn làm thủ công và chỉ đưa máy móc vào vài công đoạn để đảm bảo hương vị nguyên gốc và chất lượng củ huyền vốn có xứ núi. Sau khi thu hoạch củ xong, công việc đầu tiên là gọt vỏ bên ngoài, rửa sạch. Dùng máy xay nhuyễn, kế tiếp đổ nước khuấy đều rồi dùng vải the lược, tẻ qua 3 - 4 lần cho giảm vị đắng, lấy đem ra phơi 3 nắng thì thành bột. Muốn có mẻ bột chất lượng, trắng và thơm thì quan trọng là khâu tẻ nước để vị đắng tan dần. Còn nếu phơi vào những hôm không nắng, mưa bất chợt thì cách tốt nhất là đem bột bỏ vào nước lạnh, sau đó đem phơi lại. Tránh trường hợp để lâu, gặp gió bột sẽ dễ bị có mùi. Bà Dung chia sẻ: “Bột huyền thành phẩm có màu trắng tinh khiết, bột huyền rất mịn, khi ngậm vào miệng sẽ tan rất nhanh, khi pha nước không có tạp chất. Đây là bột huyền chất lượng không pha lẫn các loại bột khác. Nếu bột huyền được làm kỹ và phơi thiệt khô thì có thể bảo quản từ 2 - 3 năm vẫn không hư hỏng. Từ bột huyền, có thể chế biến thêm nhiều loại món ăn: bánh ít, bánh in, bánh canh, bánh đúc… thức uống bổ dưỡng và trị các chứng bệnh thông thường”.

Mùa củ huyền Bảy Núi

Gia đình ông Trần Văn Ký xay củ huyền làm bột

Bà Trần Thị Thiệt (xã Thới Sơn, Tịnh Biên) cho biết, do nhu cầu sử dụng bột tăng cao, người hành hương thường mua về sử dụng nên gia đình bà tự trồng và sản xuất bột huyền để tăng thêm thu nhập, đôi khi không đủ nguyên liệu phải thu mua củ huyền của hàng xóm với giá từ 2.500 - 3.000 đồng/kg để sản xuất bột huyền. Theo bà Thiệt, 5kg củ huyền sẽ cho ra 1kg bột huyền tinh. Giá bán bột huyền theo nhu cầu bạn hàng và thị trường tiêu thụ khoảng 35.000 - 50.000 đồng/kg. Bột huyền được nhiều người biết đến, vào mùa du lịch, du khách và người hành hương khắp nơi tấp nập về đây nên bột huyền tinh bán rất chạy. “Mỗi năm, gia đình tôi sản xuất và bán hơn 1,5 tấn bột huyền cho thương lái ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh ĐBSCL và du khách…” - bà Thiệt cho hay.

TRỌNG TÍN