Pháo binh Ukraine khai hỏa tại một vị trí trên tiền tuyến gần thị trấn Bakhmut, thuộc vùng Donetsk, vào ngày 31/10/2022. Ảnh: AFP/Getty Images
Theo trang oilprice.com, do không có tuyết, các khu trượt tuyết ở châu Âu đóng cửa vào thời điểm thường bận rộn nhất trong năm. Theo thông tin từ Đài truyền hình Séc, một số cây thậm chí đã bắt đầu ra hoa do thời tiết ấm. Trong khi đó, tại Thụy Sĩ, Văn phòng Khí tượng và Khí hậu đã phát cảnh báo phấn hoa do cây phỉ nở hoa sớm. Mùa đông ấm áp chưa từng thấy đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu, nhưng thời tiết cũng có một điều tích cực lớn khi gần như đã loại bỏ lợi thế năng lượng mà Nga có với Liên minh châu Âu (EU).
Nga và EU đã sử dụng năng lượng nhập khẩu và xuất khẩu làm vũ khí trong cuộc chiến gay gắt kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine đầu năm ngoái. Cho đến gần đây, EU đã nhập khẩu gần một nửa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga, khiến nhu cầu năng lượng của châu Âu trở thành một thành phần quan trọng đối với kinh tế Nga, đồng thời khiến EU dễ bị tổn thương vì sự phụ thuộc này. Do đó, EU đã cố gắng kiềm chế Nga ở Ukraine bằng cách áp đặt các vòng trừng phạt năng lượng ngày càng tăng. Điều này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có ở châu Âu và khủng hoảng này đang thiết lập lại các quy tắc địa chính trị toàn cầu.
Theo dự báo, mùa đông năm nay khắc nghiệt. Các cuộc chiến khí đốt giữa Nga và châu Âu gây ra tình trạng mất điện, bất ổn kinh tế, khiến các chính phủ căng thẳng vì các cuộc biểu tình trong người dân. Chỉ riêng ở Anh, dự báo 26 triệu người sẽ thiếu năng lượng trong những tháng mùa đông.
Nhưng thay vào đó, giá khí đốt tương lai đang giảm mạnh, nhu cầu thấp và châu Âu đã tìm cách tích trữ lại kho dự trữ. Thời tiết có nhiều gió mạnh khắp châu Âu cũng làm giảm nhu cầu khí đốt hơn khi sản xuất điện gió tăng. Tất cả những điều này có nghĩa là các thị trường năng lượng đã có một cơ hội bất ngờ để bình thường hóa, khiến chiến lược của Nga chệch hướng nghiêm trọng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dựa vào giả định giá năng lượng tăng chóng mặt trong những tháng mùa đông. Nhờ đó, Nga có thể tiếp tục có tiền cho chiến dịch tại Ukraine.
Thực tế hiện nay lại khác. Tháng trước, doanh thu xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã giảm 17%, mức thấp nhất kể từ trước khi xung đột ở Ukraine bắt đầu. Vòng trừng phạt gần đây nhất của EU cũng đã đạt được mục tiêu. Kể từ tháng 12/2022, doanh thu xuất khẩu năng lượng ròng của Nga giảm 160 triệu euro mỗi ngày.
Ông Georg Zachmann, một thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu chính sách Bruegel (Bỉ), nhận định: “Tổng thống Putin chắc chắn đã hy vọng đặt châu Âu vào bờ vực với dự đoán là một số quốc gia sẽ phải cầu xin khí đốt, và do đó phá vỡ tinh thần đoàn kết ở châu Âu, hoặc tạo ra hỗn loạn lớn. Điều đó đã không diễn ra”.
Mặc dù nhiệt độ ấm lên là một xu hướng đáng lo ngại trong dài hạn, nhưng đây lại là một điều may mắn khó tin đối với người châu Âu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mùa đông vẫn chưa kết thúc và các chuyên gia cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo châu Âu không nên chủ quan. Một đợt lạnh kéo dài có thể đẩy EU vào tình thế khó khăn.
Ngay cả khi thời tiết ấm áp, những vấn đề cơ bản đã tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn không thay đổi. Eurointelligence nhận định: “Mặc dù tời tiết ấm sẽ giúp các chính phủ có nhiều tài chính hơn trong nửa đầu năm nay, nhưng giải quyết các vấn đề năng lượng của châu Âu sẽ cần hành động phối hợp trong vài năm. Không nên cho rằng điều này đã kết thúc”.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho thấy tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga sẽ là một chiến lược thành công. Báo cáo của CREA cho biết: “Lợi nhuận ngắn hạn của Nga nhờ giá nhiên liệu hóa thạch cao ngất ngưởng vào năm 2022 đang bắt đầu cạn dần. Do đó, cắt giảm thêm doanh thu của Điện Kremlin sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng của nước này trong việc tiếp tục tấn công Ukraine và giúp đưa cuộc xung đột đến hồi kết”.
Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin tức)