Mùa hái nho rừng

11/08/2023 - 05:22

 - Thời điểm mưa già, cũng là lúc nho rừng Bảy Núi bước vào vụ rộ. Muốn hái được loại trái cây dại này, người ta phải cất công lặn lội cả ngày, thậm chí nhiều ngày mới đủ số lượng cần thiết. Qua bàn tay chế biến của con người, nho rừng trở thành thức uống đặc sản.

Ngày cuối tuần, tôi có dịp lên núi Phú Cường (xã An Nông, TX. Tịnh Biên) cùng người bạn Lương Thành Hơn. Cả tuổi thơ gắn bó với ngọn núi, anh Hơn hiểu khá rõ những đặc sản, từng gốc cây, ngọn cỏ bên vách núi mình sinh sống. Theo lời đề nghị của tôi, Lương Thành Hơn chuẩn bị đồ nghề lên núi tìm nho rừng.

Đường lên núi Phú Cường mùa này khá mát mẻ, bởi tán lá cây che kín ánh mặt trời. Dưới chân, cỏ dại, dây leo phủ kín lối đi. Anh bạn của tôi phải mang theo con dao, vừa đi vừa phát cỏ, dọn dây. Bên triền chúng tôi đi, núi không quá hiểm trở. Tuy nhiên, người ít được đi rừng như tôi vẫn cảm thấy rờn rợn, bởi chẳng biết có con rắn nào phục sẵn đâu đó hay không!

Mới đi chừng trăm mét dốc, mồ hôi của tôi tuôn ra như tắm. Chiếc áo khoác trở nên nặng trịch. Một thứ “đặc sản” khó chịu của núi Phú Cường - muỗi cỏ - xuất hiện, trong khi nho rừng vẫn chưa thấy đâu. Muỗi bay vèo vèo, làm cho người đi rừng có chút lo âu, không biết có nên tiếp tục cuộc hành trình hay không.

Nho rừng mang đến thu nhập cho người dân vùng núi

Vừa đi, anh Hơn vừa kể: “Nói tới nho rừng, đã có thời chúng mọc sát hè nhà người dân. Hồi đó, dân ở đây chẳng mấy ai quan tâm. Đám con nít chỉ hái quả chơi, ít khi ăn vì nho rừng vừa chua, vừa chát. Dần dần, có người ngâm rượu uống thử, thấy thơm ngon nên truyền miệng nhau cùng làm. Khi mạng xã hội phát triển, nho rừng được nhiều người biết đến. Từ chỗ là cây hoang dại, chúng bắt đầu có giá trị kinh tế, được nhiều người tìm mua”.

Theo lời anh Hơn, nho rừng chỉ đủ lớn vào tầm cuối tháng 6 (âm lịch). Mưa xuống, chúng bắt đầu kết bông. Những chùm bông nhỏ xíu nằm im ỉm dưới tán rừng già, có khi len lỏi trong kẽ đá. Nho rừng lặng lẽ hút tinh túy của đất trời, nuôi chùm trái non vừa kết. Khoảng tháng sau, trái nho bắt đầu lớn dần. Khi còn sống, nho rừng có màu xanh, hệt như một số giống nho xanh bày bán ở chợ, nhưng trái tròn và cứng hơn. Lúc chín, nho chuyển sang màu tím sẫm rất đẹp mắt. Những chùm to lúc thu hoạch có thể nặng 500 - 700gr là chuyện thường!

Lúc chúng tôi đến, nho trên núi Phú Cường vẫn chưa chín. Có quả đã to cỡ lóng tay trỏ, nhưng da vẫn còn xanh. Lương Thành Hơn cho hay, tầm 1 tháng nữa, số nho rừng này mới thu hoạch được. Nhìn chùm nho lủng lẳng trên cây, người lần đầu trông thấy sẽ mê cả mắt. Do giá trị kinh tế của nho rừng cao, người ta không mấy khi cho khách lạ tiếp cận. Hiện nay, người đi hái nho rừng bán lại cho người thu mua mức giá 40.000 đồng/kg.

“Đây là mức giá đầu mùa, khi vụ rộ thì sẽ rẻ hơn. Không riêng núi Phú Cường, mà ở núi Cấm, núi Dài cũng xuất hiện nho rừng. Theo tôi biết, trái nho rừng ở núi Cấm lớn hơn ở núi Phú Cường, nhưng phẩm chất thế nào thì chưa so sánh được. Rượu nho rừng uống có vị hơi chát, đậm đà, phảng phất chút cay cay, nên được đàn ông săn đón. Riêng tôi, mỗi mùa nho rừng đều ngâm 1 hũ lớn để đãi anh em, thân hữu. Bởi đây là sản vật tự nhiên nên mình yên tâm, chủ yếu tìm nguồn rượu ngâm uy tín là được” - Lương Thành Hơn thật tình.

Tạm biệt người bạn, tôi đi tìm một số nơi có bán nho rừng. Chị Chi (ngụ phường An Phú, TX. Tịnh Biên) vui vẻ khi được khách hỏi thăm. Hiện nay, giá nho rừng đang được bán ra 60.000 đồng/kg. Với rượu ngâm nho rừng, khách sẽ mua với mức 50.000 đồng/lít; loại ngon, đậm đà hơn thì giá gấp đôi. Ngoài ra, còn có nho rừng ủ: Ngâm 1 lớp nho, 1 lớp đường phèn, để vài tháng sẽ có hỗn hợp nước khá ngon, được chị em phụ nữ ưa thích.

“Người ta hái nho rừng ở núi rồi mang tới đây cân cho tôi. Tôi tìm cách chế biến, bảo quản để khách đường xa có rượu ngon thưởng thức. Lúc này, nho còn ít nên giá hơi cao. Tới thời điểm tổ chức hội đua bò thì nho rừng rộ mùa. Khi đó, rất đông du khách ghé lại, mỗi người mua vài ký nho hoặc vài chai rượu. Đa phần họ khen vị khá ngon, năm sau sẽ quay lại mua tiếp” - chị Chi bật mí.

Điểm đặc biệt của nho rừng là khi sống ở chốn hoang sơ sẽ đơm bông, kết trái. Nếu đem về trồng trong vườn nhà, người ta chỉ toàn thấy lá. Do đó, nguồn nho rừng hiện nay chủ yếu khai thác trong tự nhiên, vẫn là món quà quý, khó tìm của vùng Bảy Núi. Nếu được khai thác hợp lý, nho rừng sẽ tiếp tục tồn tại, trở thành một phần trong văn hóa ẩm thực miền Thất Sơn, giúp du khách hiểu thêm về sự độc đáo của vùng đất bán sơn dã xinh đẹp này.

THANH TIẾN