Măng Mạnh Tông núi Cấm
Có 2 loại măng nổi tiếng ở vùng Bảy Núi phải kể đến là măng Mạnh Tông và măng tầm vong. Đây đều là những loại cây trồng đặc hữu, chịu được khô hạn nên phù hợp với điều kiện khí hậu ở xứ núi, gắn liền với đời sống người dân nơi đây. Cả tre Mạnh Tông và tầm vong thường được người dân canh tác trên đất núi, trồng dưới tán rừng, dọc theo sườn đồi… vừa có tác dụng giữ đất, vừa giúp cư dân địa phương có thêm thu nhập từ nguồn măng thu được mỗi khi vào mùa.
Cây tre Mạnh Tông được trồng ở nhiều nơi, nhưng măng ở núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) có hương vị riêng biệt, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Có lẽ do đặc trưng được canh tác ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt nên măng rất giòn, ngọt, chế biến món nào cũng ngon. Măng tươi luôn được ưu tiên lựa chọn vì giữ nguyên vẹn được hương vị vốn có từ măng, sau khi sơ chế có thể mang đi xào, hầm thịt hoặc chế biến đa dạng các món ăn chay ngon.
Ngoài thu hoạch măng, những thân tre Mạnh Tông già được trồng trên núi Cấm thường rất cứng và có màu đẹp nên được người dân địa phương làm ra những đôi đũa ăn vừa chắc, vừa đẹp bán cho du khách gần xa đến tham quan, du lịch nơi đây. Hiện tại, đũa tre Mạnh Tông đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, được du khách chọn mua rất nhiều để mang về sử dụng và làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Riêng, măng từ tre Mạnh Tông là một loại đặc sản ở núi Cấm và chỉ có vào mùa mưa. Khi những cơn mưa đầu mùa rớt hạt, có đủ nước là những mụt măng đầu mùa cũng trồi lên khỏi mặt đất. Măng Mạnh Tông bắt đầu mọc lai rai từ tháng 4-5, nhiều nhất là từ tháng 6-7 (âm lịch). Thời điểm đầu và cuối mùa, do sản lượng ít, nên măng bán được giá nhất, thường dao động từ 25.000-35.000 đồng/kg và giá sẽ giảm dần khi măng vào mùa thu hoạch rộ.
Tre Mạnh Tông cho măng khá lớn, trọng lượng trung bình từ 2,5-3kg/mụt trở lên. “Có mụt măng lớn đến 6-7kg, có mụt lên đến chục ký cũng không có gì làm lạ với loại măng Mạnh Tông này” - chị Nguyễn Thùy Trang (ngụ huyện Tri Tôn, một thương lái chuyên thu mua măng) cho biết.
Theo chị Trang, măng Mạnh Tông nhiều nhất ở núi Cấm, măng khi thu hoạch được người dân gánh hoặc chở xe xuống chân núi để cân cho thương lái. Ngoài cung cấp măng tươi, măng Mạnh Tông thường được các cơ sở nơi đây chế biến thành măng chua, măng khô… vừa dễ bảo quản, vừa dễ cung cấp đi các tỉnh, thành phố trong cả nước.
“Măng Mạnh Tông xứ này nổi tiếng từ trước đến nay, tôi bán măng tươi, măng khô… nói chung là các sản phẩm từ măng. Hiện giờ, măng Mạnh Tông vô mùa rộ, nên giá không còn cao như hồi đầu vụ nữa. Măng khô, măng chua được bán dễ nhất, vận chuyển bao lâu cũng được, còn bán măng tươi hơi cực vì thu hoạch xong là phải đóng thùng, chuyển lên xe đi liền, để càng lâu thì măng bị già, sẽ giảm dần vị ngọt” - chị Trang giải thích.
Nhiều sản phẩm từ măng tầm vông
Đến huyện Tri Tôn sẽ dễ dàng bắt gặp những vạt tầm vong rộng lớn, nhiều nhất là ở các xã, như: Lương Phi, Lê Trì, An Tức... Theo nhiều bậc cao niên ở địa phương, cây tầm vong ở xứ này có từ rất lâu đời, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Cây tầm vong là loại cây dễ trồng, chăm sóc vì chịu hạn tốt, thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt ở địa phương, nên được người dân lựa chọn để canh tác.
Sản phẩm chính của loại cây trồng này là thân cây được người dân đốn rồi uốn thẳng, cung cấp cho các tỉnh để làm chuồng trại, đồ mỹ nghệ (bàn, ghế…) vừa bền, vừa có tính nghệ thuật cao. Bên cạnh đó, việc bán các sản phẩm măng của cây tầm vong cũng giúp người dân có thêm thu nhập.
Tuy nhiên, măng tầm vong khá nhỏ, mỗi mụt măng nặng từ 200-300gr, nên giá bán thường cao hơn nhiều so với các loại măng tre khác. Hiện tại, măng tầm vong tươi được bán với giá khoảng 40.000 đồng/kg, còn với các loại đã qua sơ chế (gọt vỏ, luộc chín hay măng chua, măng khô) sẽ có giá cao hơn gấp đôi, gấp ba.
Mỗi khi đến mùa măng tầm vong, chị Néang Khon (ấp Ninh Lợi, xã An Tức, huyện Tri Tôn) vừa thu hoạch măng trong vườn nhà, vừa làm thương lái thu mua của bà con địa phương để sơ chế, bán cho khách hàng, chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh. Theo chị Sóc Cang, măng tầm vong ngon nhưng phải biết cách sơ chế thì mới lọc hết nước đắng, giữ lại được độ giòn, ngọt vốn có. Măng cắt về, bóc hết lớp vỏ già, rửa sạch rồi luộc qua nhiều lần, như vậy măng sẽ có được màu vàng óng ánh rất đẹp mà ăn lại không bị nhẫn đắng. Măng tầm vong làm được nhiều món ăn rất ngon, đơn giản nhất là xào, nấu canh, còn cầu kỳ hơn có thể mang đi muối chua, phơi khô để nấu bún hoặc kho thịt.
“Sau khi luộc măng, tôi đóng gói bằng cách ép chân không giúp bảo quản măng tươi lâu hơn. Khi chuyển đến TP. Hồ Chí Minh, khách hàng ăn vẫn ngon ngọt. Khách ở thành phố thích ăn măng tầm vong, dù giá thành cao nhưng mỗi khi đăng bán thì đơn lên rất đều đặn. Đứa em gái của tôi còn bán măng tầm vong muối chua, đem măng khô kho với thịt heo, chia phần ra bán cho khách. Ai ăn cũng khen ngon, nhưng làm món thịt kho măng rất cực, nên ít làm, chủ yếu bán măng luộc là nhiều” - chị Néang Khon giải thích.
ÁNH NGUYÊN