Mùa măng tầm vông

07/07/2021 - 06:59

 - Thường xuất hiện vào mùa mưa, măng tầm vông mang đến cho người dân xứ núi bữa ăn đa dạng, phong phú hơn. Măng tầm vông còn giúp nhiều hộ dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer có thêm thu nhập từ việc bán măng cho du khách.

Cây trồng đặc biệt

Từ bao đời nay, cây tầm vông đã gắn liền với đời sống người dân huyện miền núi Tri Tôn nói chung, đồng bào DTTS Khmer nói riêng. Loại cây trồng này không những giúp cho nhiều gia đình có thêm nguồn thu nhập từ việc canh tác, mà còn tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương thông qua việc uốn cây.

Tầm vông là loại cây khá đặc biệt, dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, vốn đầu tư ban đầu thấp. Càng đặc biệt hơn, khi cây trồng này không cần tưới nhiều nước, lại chịu hạn rất tốt, cho dù điều kiện thời tiết có khô hạn đến đâu cây tầm vông cũng sống và phát triển được. Do đó, loại cây trồng này rất thích hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng như huyện miền núi Tri Tôn. Cây tầm vông tập trung nhiều ở xã Lương Phi và thị trấn Ba Chúc, đồng thời xuất hiện rải rác ở các địa phương, như: Lê Trì, Ô Lâm, Cô Tô...

Hiện nay, cây tầm vông được tiêu thụ khá mạnh do nhu cầu thị trường sử dụng loại cây trồng này để làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, như: bàn, ghế, tủ, đồ trang trí... ngày càng tăng cao. Nhờ đó, người trồng cây tầm vông đảm bảo được thu nhập. Mặt khác, trồng cây tầm vông có thể bảo vệ đất, chống xói mòn, nông dân có thể tận dụng giống cây này trồng ở những nơi đất xấu, kém chất dinh dưỡng mà không ảnh hưởng đến những cây trồng xung quanh.

Theo tính toán của các nông hộ ở xã Lương Phi, bình quân mỗi công tầm vông mang đến thu nhập cho người dân từ 3 - 4 triệu đồng/năm. Hiện nay, mặt hàng này được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh ĐBSCL, như: Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau...

Ngoài việc sử dụng thân, măng của cây tầm vông được coi là một trong những đặc sản của huyện miền núi Tri Tôn. Đây là món quà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây. Nhờ nó, nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Món quà từ thiên nhiên

Những ngày này, rong rủi trên những con đường ở huyện Tri Tôn, giữa các con đường bạt ngàn tầm vông, thỉnh thoảng bắt gặp hình ảnh những gian hàng bán đặc sản của núi rừng, trong đó có măng tầm vông. Chị Néang Móc (xã An Tức) cho biết, măng tầm vông chủ yếu xuất hiện vào khoảng tháng 4-5 (âm lịch) và kéo dài đến tháng 9-10 (âm lịch). Sau những cơn mưa đầu mùa đậm hạt, những “cây tầm vông con” nhú lên khỏi mặt đất, bắt đầu sự sống mới. Theo chị Néang Móc, măng tầm vông sau khi mọc phải được thu hoạch trong vòng 10 ngày. Nếu để lâu, sẽ bị già, ăn rất cứng và đắng, không ngon.

Cũng theo chị Néang Móc, giá măng dao động tùy vào từng thời điểm. Đầu mùa mưa, nguồn măng ít nên giá khá cao, từ 30.000-35.000 đồng/kg. Càng vào chính vụ, giá mặt hàng này càng giảm, từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Chị Néang Móc chia sẻ: “Thời điểm này, mỗi ngày gia đình tôi thu hoạch tại vườn và mua lại của các hộ lân cận khoảng 50kg, bao gồm cả măng tầm vông và măng tre mạnh tông. Măng được bán cho du khách với giá 20.000-25.000 đồng/kg. Từ việc bán măng giúp gia đình tôi tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Măng tầm vông được bán trên thị trường hiện nay thường là những cây con mọc từ mắt ở gốc cây tầm vông. Khác với những loại mọc từ mắt ngầm dưới đất, loại măng mọc phía trên thường phát triển thành những cây có chất lượng thấp và thường bị tỉa bỏ sau này.

Ngoài ra, ở những bụi tầm vông mọc măng chi chít, người dân chiết bớt, chừa lại những cây măng to, khỏe, chất lượng để phát triển thành cây về sau. Do đó, việc chiết, thu hoạch như vậy không ảnh hưởng đến năng suất của cây tầm vông sau này.

Măng tầm vông có kích thước khá nhỏ nhưng đặc ruột, màu trắng ngà, ngọt giòn và có vị đắng nhẹ. So với nhiều loại măng khác, măng tầm vông được đánh giá ngon hơn.

Tuy nhiên, nếu sơ chế không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể gây ngộ độc. Để thưởng thức loại đặc sản này cần luộc thật kỹ, thay nước nhiều lần... trước khi chế biến. Măng được nấu thành những món ăn quen thuộc, trong đó có món canh, xào...

ĐỨC TOÀN