Ảnh minh họa
Đi hết con đường dọc theo những cánh đồng ruộng trải xa tít tắp là đầm súng đẹp đến mức làm nó ngẩn ngơ nhìn. Cái giống súng ma này mọc dại thôi mà đẹp và khỏe khoắn quá chừng! Bé Ba nghĩ mình là người đến sớm nhất nhưng nhìn ra đã thấy cái xuồng ba lá, ngó quen quen, “à, cái thằng cha Mến Sậy đây mà!”.
Người ta kêu anh là Mến Sậy vì tướng tá cao lều khều như cây sậy, gương mặt teo tóp và đôi mắt sâu hoắm, nhà ở gần bến đò Tiết. Ngày thường, nó có thấy anh Mến Sậy ở đây hái bông súng đâu, chỉ thấy anh hay chèo xuồng đưa khách sang sông đi chợ. Nhìn cái xuồng đã đầy ắp bông súng, nào trắng, tím, hồng, nó cảm thán mãi, hẳn anh Mến Sậy đã phải dậy sớm hơn nó ít nhất tiếng rưỡi đồng hồ. Nhỏ cũng lật đật xắn ống quần, chuẩn bị đầm mình xuống ao để hái bông súng.
Nhìn cọng bông súng, cọng nào cọng nấy vươn mình dâng theo dòng nước nổi nên dài ngoẵng, nó cố kéo lên cho bằng hết, rồi túm lại thành một bó, hết lần mò chỗ này, lại lần mò đến chỗ khác. Mặt trời lên cao dần, mé gần bờ đã hái bông súng xong xuôi nên nó tiến gần ra giữa đầm, xáp lại gần xuồng anh Mến Sậy. Bé Ba hụt chân xuống hố bùn, hoảng quá, nó túm lấy mạn xuồng làm anh Mến Sậy cũng chới với ngã theo. Bé Ba còn đang lặn ngụp dưới nước thì anh Mến Sậy đã thốc nách nó lên, phủi bùn dính trên chóp mũi nó.
- Cô Ba, cô Ba có sao hông?
Bé Ba người ướt sũng, dụi mắt nhìn anh Mến Sậy, lại thấy có cái gì khua khuấy loạn xạ ngay lồng ngực. “Ý trời ơi, sao ảnh cười có duyên dữ thần!”.
- Tui... tui hổng sao, cảm ơn anh nghen!
Bất giác bé Ba nhìn lại mớ bông súng sau vụ “đắm xuồng” thì thấy bông của nó và của anh Mến Sậy đang trôi trên mặt nước.
- Bông của tui với anh bị dính lại rồi.
Anh Mến Sậy rất nhanh tách mớ bông làm hai nửa, túm gọn lại rồi đưa cho nó một bó to.
- Cô Ba cầm về đi.
- Đâu có được, sao anh đưa tui nhiều vậy, anh đi từ sớm để hái mà.
- Vậy tui đưa cô Ba hết mớ bông này luôn hen?
Bé Ba vội gom lấy một nửa bông, khua tay nói:
- Thôi, tui lấy nhiêu đây. Trời cũng hừng nắng rồi, tui về nghen.
Mến Sậy không nói gì, chỉ gật đầu và cười. Anh lật xuồng rồi chất bông súng lên, từ từ chèo đi sang bên kia.
Sáng hôm sau, bé Ba ráng dậy thật sớm để ra đầm, nhưng lần này cũng thấy cái xuồng ba lá của anh Mến Sậy đã cắm sẵn ở gần bờ từ bao giờ. Nó lân la bắt chuyện với anh:
- Sao anh Mến Sậy đi sớm quá, bộ sợ hết bông súng hả?
- Đâu có, tui ngồi chờ bé Ba lên xuồng để hái chung đó.
- Mấy người nhìn mặt hiền khô mà cũng biết ghẹo gái gớm à.
Bé Ba bĩu môi, tỏ vẻ đỏng đảnh nhưng trong bụng thích lắm, nó leo xuống xuồng cho anh Mến Sậy chèo đi hái bông súng. Trong đầm rõ ràng có nhiều người cũng đến nhưng sao nó nghĩ ở đây chỉ có chiếc xuồng của anh với nó. Hái được kha khá, bé Ba và anh Mến Sậy quyết định lên bờ ngồi nghỉ một chút.
- Anh Mến Sậy, sao mấy nay anh không về lái đò mà đi hái bông súng?
Mến Sậy cười, vân vê lòng bàn tay đã chai cứng vì cầm chèo.
- Ba tui đổ bệnh rồi cô Ba, chèo xuồng hoài thì không đủ tiền cho ông già sắc thuốc nên sáng tui tranh thủ đi hái kiếm chút đỉnh. Với nhìn cái xuồng, người ta sợ nó lật hồi nào hổng hay nên đâu có ai đi.
Lúc này bé Ba mới để ý, cái xuồng ba lá này có khi còn lớn tuổi hơn nó. Thấy bầu không khí có chút chùn xuống, bé Ba cầm lấy một bông màu hồng.
- Anh có biết bông súng màu hồng tượng trưng cho điều gì hông?
Mến Sậy bối rối.
- Bộ màu hồng thì bán được giá hơn hay sao cô Ba?
- Trời ơi, sao anh khô khan quá vậy! Bông súng màu hồng tượng trưng cho tình yêu ngọt ngào đó!
Bé Ba phá lên cười vì sự “ngây thơ” có phần ngồ ngộ của anh Mến Sậy. Còn anh chỉ cười thẹn thùng, rồi lại quay sang tuốt đám bông.
Cứ vậy, sáng nào bé Ba cũng hăng hái dậy sớm để ra đầm hái bông súng với anh Mến Sậy. Nhìn khô khan vậy thôi chứ anh dễ thương quá chừng. Biết bé Ba thích ăn ngọt nên trong túi anh lúc nào cũng để sẵn vài viên kẹo nhỏ, biết nó thích màu hồng nên anh hay chèo đến chỗ nào nhiều bông súng hồng nhất cho nó hái, biết nó hay lèm bèm vì mấy cọng tóc con vướng víu vào mắt nên anh tự làm cho nó một chiếc kẹp có hình con thỏ,… Bé Ba cũng trổ tài nấu ăn cho anh Mến Sậy, trưa nào hai người cũng ngồi dưới gốc cây để ăn cơm chung. Áo anh Mến Sậy rách, nó cũng cần mẫn ngồi khâu từng đường kim mũi chỉ. Riết rồi bà con chung quanh nhìn thấy, ai cũng biết: “Hai đứa này nó thích nhau rành rành”. Tụi nhỏ đi học về ghé ngang đầm súng vọc nước cũng hay lân la chọc ghẹo:
“Cảm ơn bông súng, củ co
Nợ nần trả hết, anh lo cưới nàng”.
Bé Ba hai má ửng hồng, cười tủm tỉm, tay thì đuổi tụi nhỏ đi nhưng trong bụng thì hớn hở lắm. Nó quay sang nhìn anh Mến Sậy, thấy tai anh đỏ quá chừng, mà mắt anh thì cứ nhìn đi đâu.
Như thường lệ, bé Ba vẫn ra chỗ đầm súng từ sáng tinh mơ. Trước khi đi nó còn vui vẻ lắm. Chiều hôm qua, ba nó giăng lưới được mớ cá đồng tươi roi rói, nó kho lạt thật ngon, định bụng mời anh Mến Sậy ăn một bữa đã đời. Đến nơi, bé Ba thấy anh đứng sững sờ dưới gốc cây, dưới ánh sáng lờ mờ của bình minh chưa rõ dạng, nó cũng không biết gương mặt anh hiện tại như thế nào.
- Anh Mến Sậy! Làm gì mà đứng đó?
Thấy bé Ba, anh gượng cười, xòe tay đưa cho nó một mảnh gỗ có khắc chữ bé Ba thật tỉ mỉ.
- Cô Ba, cô cầm cái này đi. Và cả chiếc xuồng, tui để lại cho cô chèo đi hái súng. Cô đừng dầm người dưới nước, hư da hết! Sắp tới, tui theo cậu Út đi làm ăn xa, ba tui cũng đi theo luôn…
Bé Ba nghe rõ mồn một từng chữ, nó bối rối, không biết nên nói gì, nên làm gì.
- À… ừ, anh cố giữ gìn sức khỏe nha!
Mến Sậy quay người đi, để bé Ba đứng như chết lặng. Bất giác, anh quay người lại, nói to về phía nó rồi chạy đi:
- Cô đừng chờ tui nghen!
Bé Ba bần thần trở về nhà. Nó nằm phịch xuống ván:
- Trời ơi, tui với anh có là gì đâu mà phải chờ…
Bụng dạ nó nghĩ vậy mà sao trái tim cứ nhức nhối từng hồi, đau đớn quá. Những ngày sau đó, bé Ba vẫn ra đầm để hái bông súng. Ai nhìn vô cũng thấy con nhỏ tiều tụy ghê gớm, mắt nó đã thâm quầng, hai cái má phúng phính cũng teo tóp lại. Nó chèo xuồng mà tay cứ lái đi đâu, hết va phải gò đất bên trái, lại va phải gò đất bên phải, cả buổi mà chỉ hái được ba bó nhỏ xíu. Má nó cũng hết lòng khuyên nhủ.
- Cái thằng Mến Sậy cũng thấy thương, hiền khô, siêng năng với có hiếu nhưng mà nó nghèo quá, cưới nó thì khổ cả đời con gái, con à!
Nó chỉ nhìn mớ bông súng, nhỏ nhẹ nói:
- Rau, mắm, dưa cà, cũng vui mà má. Người ta không chết vì thiếu tiền nhưng thiếu tình yêu, người ta đâu có động lực để sống vui, sống tốt.
Bà lắc đầu, đứng dậy bỏ ra sau nhà.
Hai năm sau, bé Ba được anh Lý - con của chủ xưởng gỗ ở xóm trên hỏi cưới. Gia đình, làng xóm khuyên ngọt hết lời, ấy vậy mà nó vẫn không chịu. Ba má nó giận quá, dọa chết đi cho nó vừa lòng nên nó buộc phải lấy anh Lý. Ngày nó cưới, ai nấy cũng khen nức nở trai tài gái sắc. Hôn lễ diễn ra thật rầm rộ với nào kèn trống, nào hoa hồng lung linh,… Riêng nó chỉ xin cầm trên tay một bó bông súng tím, được cột gọn bằng một sợi dây có mặt gỗ khắc chữ bé Ba.
Sau ngày hôm đó, người làng kháu với bé Ba rằng, thằng Mến Sậy âm thầm quay về, chỉ mua độc một bó bông súng hồng, rồi lại lững thững đi. Nó vờ như không quan tâm, chỉ cười nói:
- Giờ em là gái đã có chồng. Mà… hồi đó em với anh Mến Sậy cũng đâu có gì với nhau đâu, các chị đừng để ý.
Về đến nhà, nó lặng lẽ vào buồng, đôi mắt đã đỏ, ngân ngấn nước. Gương mặt nó vẫn như xưa, tính cách cũng không thay đổi, nhưng chỗ này… cái chỗ nơi ngực trái này, hình như sớm đã trống huơ trống hoác.
Mối tình bông súng của nó kết thúc như vậy đó. Vậy là từ nay, mùa bông súng nước nổi, nó gọi là mùa nhớ…/.
Theo TIỂU THẢO (Báo Long An)