
Đồng bào Khmer bắt trứng kiến
Vất vả xuyên rừng
Sáng tinh mơ, có mặt sớm ở vùng Bảy Núi, chúng tôi sẽ dễ dàng bắt gặp bà con đi tìm trứng kiến. Mùa hè, trẻ em cùng cha mẹ rong ruổi qua các cánh rừng dõi mắt tìm tổ kiến. Mỗi năm đến mùa mưa, tiết trời núi rừng mát mẻ, cây cối đâm chồi, nảy lộc. Vô số sinh vật rừng sinh sôi, phát triển, trong đó có đàn kiến tìm những chỗ hẻo lánh, thoáng mát làm tổ đẻ trứng. Nắm bắt được đặc tính này, bà con Khmer trang bị đồ nghề băng rừng, vượt núi tìm trứng kiến. Có dịp đi cùng anh Chau Đa bắt trứng kiến mới thấy hết sự thú vị của cái “nghề” độc lạ này.
Đồ nghề của anh chỉ là cây tầm vông dài có gắn cái rổ nhựa treo tòn ten phía trên ngọn để hứng trứng kiến. Ngày nào cũng vậy, anh Chau Đa cùng người thân đi qua các dãy núi ít người lui tới để tìm tổ kiến.
Anh Chau Đa cho hay, thuở xưa, Bảy Núi còn hoang sơ có rất nhiều kiến vàng làm tổ. Thế nhưng, mấy năm nay nhiều vườn xoài sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, nên đàn kiến phải tìm nơi cao trên núi để làm tổ. Muốn thu hoạch được nhiều trứng kiến phải đi hàng chục cây số mới gặp được tổ của chúng. Loài kiến mà anh Chau Đa bắt lấy trứng về ăn chủ yếu là kiến vàng.
Anh Chau Đa kể, ngày trước tới mùa mưa, nhà nào muốn ăn trứng kiến vàng, chỉ cần ra sau vườn cầm cây tầm vông thọc nhẹ vào tổ, thì trứng kiến rớt xuống rổ nhiều vô kể. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tổ kiến vàng ít dần.
Theo anh Chau Đa, khu vực kiến vàng làm tổ nhiều nhất là các ngọn núi ít người lui tới. Giờ đây, loài kiến này rất tinh khôn, do bị nhiều người săn bắt trứng của chúng. Tâm sự với chúng tôi một đoạn, anh lấy cây tầm vông giơ cao lên ngọn tràm bông vàng rồi rung nhẹ vào tổ kiến. Đàn kiến vàng bị đánh động, chúng bò ra bám đầy rổ. Nhiều con nhanh chân chạy dọc theo cây tầm vông, bò lên người anh Chau Đa cắn hàng chục phát. Bị cắn đau quá, anh Chau Đa nhanh tay phủi liên tục...

Trứng kiến xào hành
Món ăn đặc sản đắt đỏ
Chúng tôi ở gần đó cũng bị đàn kiến vàng vỡ tổ cắn chi chít khắp người, rất đau. Để thoát khỏi đàn kiến, tôi phải bỏ chạy rất xa tổ của chúng. Kiến vàng rất tinh ranh, chúng cắn xong cứ đeo bám mãi trên cơ thể. Muốn thoát khỏi cặp càng sắc bén của loài kiến, chỉ còn cách tự tay mình phủi chúng văng ra. Vì loài này cắn xong là bám víu mãi không buông tha bất cứ ai.
Ngày trước, những nhà vườn trước khi thu hoạch xoài phải dùng tro củi thoa khắp người. Bởi tro có vị mặn nhẹ, đàn kiến bám vào người bắt hơi được mùi tro, thì chúng tự rơi. Thấy chúng tôi nhăn nhó, anh Chau Đa cùng đám trẻ nhìn cười tươi như trêu ghẹo. Chau Đa nói rằng, tính đến nay anh đã hơn 20 năm đi bắt kiến, dường như anh bị kiến vàng cắn nhiều hơn ăn cơm.
Vừa bắt xong ổ kiến vàng này, anh Chau Đa nhanh tay đổ trứng vào chiếc thùng bê. Sau đó, anh đi tiếp một đoạn, rồi vươn cây tầm vông lên cây cao để bắt ổ trứng kiến khác. Vừa bắt xong ổ trứng kiến, anh Chau Đa kéo chiếc vợt xuống, đàn kiến tiếp tục bu cắn vào chân anh. Chau Đa nhanh chân giẫm trên đất để đàn kiến rớt xuống. Thi thoảng, tôi thấy anh vẫn nhăn nhó vì bị kiến cắn. Nếu ai lần đầu theo cùng người dân bắt trứng kiến mới thấy hết sự vất vả của ngón “nghề” này. Người nào sơ ý đứng cạnh người săn trứng kiến sẽ bị chúng cắn vạ lây. Thấy anh Chau Đa bị kiến cắn, tôi cười sặc sụa.
Nhìn vào chiếc thùng bê, trứng kiến nhiều vô kể. Để trứng kiến còn tươi ngon, người dân có cách làm rất đơn giản. Họ dùng nước muối cho vào thùng để giữ trứng kiến không bị hư trong quá trình đi bắt. Khi trứng kiến được mang về nhà, rửa sạch đem bán tại chợ mỗi ký 250.000 đồng. Qua bàn tay người chế biến, trứng kiến sẽ trở thành nhiều món ăn ngon trứ danh. Trong đó, 3 món ngon được ưa chuộng là trứng kiến xào thịt ba rọi, trứng kiến kho dưa cải và canh trứng kiến nấu lá giang trên rừng.
Bà Neang Nhây là một trong những người chuyên đi bắt, chế biến trứng kiến nói rằng, món canh chua trứng kiến, chỉ cần đun nước sôi rồi thả trứng kiến vào nấu với lá giang, chuối cây xắt mỏng sẽ thành món ngon, hương vị đậm đà. Một số nơi còn chế biến món trứng kiến nấu lẩu vịt xiêm, trứng kiến xào hành…
Húp từng muỗng canh trứng kiến nóng hổi, những cái trứng nhỏ xíu như hạt gạo vỡ lụp bụp, vị béo bùi, vị chua hăng của trứng kiến hòa với vị chua nhẹ của lá giang, vị chan chát của chuối cây, tạo nên hương vị độc đáo khiến thực khách khó quên.
Mùa này, về Bảy Núi men theo các con đường nông thôn sẽ thấy bà con đồng bào Khmer bắt và bày bán trứng kiến. Người dân đi đường gặp trứng kiến thì ngay lập tức họ ghé mua rôm rả.
LƯU MỸ