Lúa chín vàng trên đường lên các xã rẻo cao huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La
Cõi bình yên
Từng say sưa không biết chán với nhiều mùa vàng ở Sa Pa, Y Tý (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang) hay Mù Cang Chải (Yên Bái), năm nay, tôi lại được dẫn dụ đến Bắc Yên, một huyện vùng cao của tỉnh Sơn La.
Chúng tôi đến Bắc Yên khi mùa thu đã vào độ chín. Từ trung tâm huyện lên các xã rẻo cao, nơi có Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa là những khúc cua tay áo ghê người. Lên đến xã Tà Xùa, những thửa ruộng bậc thang dần hiện ra trong sắc vàng rực rỡ của lúa chín. Tôi và mấy chiến hữu phi xe lên đỉnh một con đèo ở bản Mống Vàng, tìm điểm dừng chân ngắm cảnh.
Từ đài vọng cảnh bên đường, đất trời như ùa vào đôi mắt lữ khách. Ruộng lúa chín trông như tấm thảm vàng phủ kín sườn núi. Rồi núi xanh, rừng thẳm cùng những đám mây trắng lãng du góp thêm màu để tạo lên bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc.
Rời Tà Xùa, chúng tôi rẽ sang con đường đất đi vào các xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện như: Làng Chếu, Háng Đồng, Hang Chú, Xím Vàng, Pắc Ngà… rồi vòng xuống Hồng Ngài. Nắng thu đã lên cao, mây vẫn chưa tan, cứ quyến luyến ôm ấp núi đồi, ruộng lúa và những nóc nhà sàn bình dị.
Lang thang vào những bản heo hút để tận mắt xem cảnh bà con gặt lúa và hít hà căng lồng ngực hương lúa chín, chúng tôi như lạc vào một cõi bình yên khác lạ - điều hiếm thấy ở các ruộng bậc thang nổi tiếng khác như Mù Cang Chải, Y Tý, bởi Bắc Yên vẫn còn là cô gái quê e ấp trên bản đồ săn mùa vàng của dân du lịch.
Em bé theo bố mẹ lên nương
Nhịp sống trên nương
Nếu dải núi trùng điệp mệnh danh là sống lưng khủng long ở Tà Xùa mang dấu ấn của hàng triệu năm kiến tạo địa chất, thì những thửa ruộng bậc thang chính là kiệt tác để đời do người Mông làm ra. Theo chúng tôi tìm hiểu, người Mông đã cư ngụ ở vùng núi Bắc Yên từ hàng trăm năm trước. Họ chọn những đỉnh núi cheo leo, hiểm trở để cư ngụ. Nơi non cao ấy, trời và đất như gần nhau hơn, quanh năm sương mây giăng kín lối.
Khi mùa hè vừa đổ xuống những cơn mưa, bà con lên nương vạt cỏ, đắp bờ ngăn giữ nước. Đất sẽ được cày bừa bằng sức người và trâu, bò trước khi cấy. Từ khi cây lúa được cấy vào khoảng nửa cuối tháng 5 đến tháng 9, 10 thu hoạch là một hành trình dài vất vả. Vì thế, khi lúa ở những nương ruộng bậc thang bắt đầu ngả vàng, người Mông vui hơn mở hội. Trai gái, già trẻ cùng nhau đeo gùi đi lên ruộng thăm lúa, định ngày gặt. Cả nhà cùng trên nương lúa là hình ảnh dễ thấy khi chúng ta đi qua những thửa ruộng bậc thang các bản, xã ở huyện Bắc Yên mùa này.
Mùa gặt, tiếng khóc đòi bú của những đứa trẻ địu trên lưng mẹ hòa cùng âm thanh tíu tít vui đùa của những cô, cậu nhóc đã phá toang không gian vắng lặng của nương rẫy. Mồ hôi ước đẫm gương mặt, vạt áo nhưng ai nấy đều hân hoan vì bó lúa trĩu hạt mới gặt trên tay.
Chị Vàng Thị Say ở bản Pá Đông (xã Hang Chú) đang địu bó lúa mới gặt ở ruộng vừa vui vẻ tiếp chuyện tôi bằng tiếng Kinh lơ lớ. Chị Say cho biết năm nay thời tiết khá thuận lợi nên được mùa. "Ở dưới bản mình có hộ đã mua được máy tuốt lúa nên công việc thu hoạch nhà họ nhàn đi đôi chút. Còn lại mọi người vẫn phải đập lúa bằng tay thôi, vất vả nhưng trúng mùa là vui rồi!" - chị Say vui vẻ nói.
Trên những thửa lúa vàng, người phụ nữ Mông với chiếc váy xòe thổ cẩm thêu họa tiết trở thành những bông hoa đẹp nhất. Họ hồn nhiên, đáng yêu như chính hơi thở hoang sơ của núi rừng.
Chiều buông, bóng người gặt lúa trên nương thưa dần, nhường không gian lại cho đất trời cùng lũ côn trùng sau một ngày bị khuấy động tưng bừng…
Theo Người lao động