Mùa vịt chạy đồng

18/12/2022 - 10:14

 - Đó là mùa gặt xong. Lúa vàng trên đồng được chuyển về kho, cánh đồng trơ gốc rạ trở thành “thiên đường buffet” của lũ vịt. Chúng ngao du giữa nắng gió, mặc kệ con người tất bật trông nom.

Giữa trưa cháy da, cánh đồng xã Tây Phú (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) hiện lên tuyệt đẹp, phân rõ từng mảng màu xanh, vàng. Chỉ có điều, khung cảnh chẳng yên ắng, mà chìm trong tiếng vịt kêu không ngớt.

Không ồn sao được, khi hàng ngàn con vịt đồng thanh cất tiếng! Một người chăn vịt nhẩm tính, chỉ mất 2 ngày, 5.000 con vịt có thể “xử lý” sạch sẽ 30 công đất.

Chúng thoải mái lặn hụp, bơi lội, tìm lúa còn sót, hoặc chụp lấy đám ốc, sâu bọ xung quanh. “Tiện anh tiện ả, tiện cả đôi đường”, rất đúng với chuyện vịt chạy đồng. Người nuôi vịt vừa đỡ lo thức ăn, chủ ruộng lại mừng vì thêm chút tiền hậu thu hoạch (40.000 đồng/công). Chưa kể, vịt góp công làm sạch đồng ruộng, đảm bảo vụ sau ít lúa chét.

Để quản lý vịt, người coi sóc sẽ cắm lưới rào xung quanh đồng ruộng.

Có điều, lúc nào cũng xảy ra tình trạng vài chú vịt “tự tung tự tác”, bơi ra ngoài lưới, rồi cuống cuồng tìm cách trở vào với đàn.

Thông thường, vịt sẽ tự giác đi theo bầy, ở những nơi ngập tràn dấu chân ướt nhẹp của chúng. Nhưng nếu có người quanh quẩn ngay lối đi, chúng liền dạt qua hướng khác, chân vướng vào đâu đó, đi khập khiễng như chú vịt này.

Đến chiều tà, đàn chuẩn bị về trại, thì chú vịt ấy không còn đi được nữa, buộc phải nằm chờ người giữ vịt lôi về.

Cánh đồng lúa sau khi thu hoạch trở nên khô ráo. Nông dân theo thói quen canh tác cũ, đốt sạch rạ, rồi bơm nước kênh vào cho vịt chạy đồng. Bởi thế, ngoài ruộng lúa giờ này, vừa hăng hắc, mờ mờ khói đồng, lẫn mùi bùn của đất, lại xình xịch tiếng máy bơm, tiếng vịt kêu quàng quạc.

Niềm vui lớn nhất của người chăn vịt là đi lượm trứng. Bầy vịt ăn no, nửa đêm đẻ trứng đầy trên đất. Có khi, trứng được bán liền tay. Có khi, người nuôi để lại, bán trứng vịt lộn hoặc họ chờ trứng nở, bắt đầu nuôi lứa vịt con mới, bổ sung số lượng cho đàn.

Muốn vịt di chuyển theo ý mình, người chăn vịt phải bắt chước tiếng kêu của chúng, đến gần, rồi quăng bất cứ vật dụng gì vào nước. Bầy vịt tự giác túa đi, con này nối chân con kia.

16 giờ, mọi người bắt đầu thu gom lưới, thu tới đâu, lùa vịt sát lại nhau tới đó. Nếu dềnh dàng, trời sụp tối thì mọi việc càng khó khăn hơn.

Bình quân, mỗi người phải giữ khoảng 1.000 con vịt. “Cực dữ lắm cái nghề này! Vịt chạy tứ tán, có nghe theo lời mình đâu. Bầy vịt mấy ngàn con, cần 4-5 người cùng nhau lùa chúng về trại. Tôi chèo xuồng lùa chúng đi theo kênh. Trên bờ 2-3 người khác chạy xe Honda hoặc đi bộ, chịu trách nhiệm lùa mấy con lạc đàn xuống kênh trở lại” – ông Nam, một người giữ vịt, bày tỏ.

Đoạn đường từ đồng vịt ăn về tới trại chưa đầy 1km, nhưng mất gần 1 tiếng vịt mới về đông đủ. Đó là chưa kể phải mất công quay trở lại tìm vài con lạc, bị hư chân, xệ cánh.

Đủ bầy vịt rồi, mọi người chia nhau rào lưới chắc chắn, trộn thức ăn cho chúng ăn dặm thêm. Cánh đồng này sắp hết thức ăn, nên vịt dễ bị đói, mất sức, sụt ký.

Bình quân, mỗi chú vịt trị giá khoảng 150.000 đồng. Bầy vịt chen chúc thế này là tài sản rất lớn của nông dân, được chắt chiu sau nhiều năm tháng theo nghề.

Chị Phượng (48 tuổi, ngụ huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) dành cả thanh xuân trải dài theo nghề nuôi vịt chạy đồng. Quanh năm suốt tháng chị xa gia đình, lắc lư trên chiếc ghe nhỏ, nhìn bầy vịt ngày càng sinh sôi nảy nở. “Nói chung là đam mê, không bỏ được nghề này, dù mưa nắng cực khổ đủ điều” – chị cười thật tươi.

Chị đã ở đây gần nửa tháng, chuẩn bị đưa bầy vịt chạy đồng về Bạc Liêu. Chồng chị ở nhà chăm sóc ruộng lúa gia đình. Đến khi lúa cắt xong, chị đưa bầy vịt trở về, chạy đồng mình…

Mùa này, về quê ở miền Tây sẽ không khó để gặp cảnh vịt chạy đồng, những người trót nặng nợ với nghề rong ruổi cùng bầy vịt. Người nuôi vịt, rồi vịt lại nuôi người, như vòng quay bất tận của cuộc đời…

GIA KHÁNH