Nghề làm ngư cụ vào mùa

22/07/2025 - 07:25

 - Mùa nước nổi là thời điểm nhiều người dân có thêm nguồn thu nhập từ nghề câu lưới. Đây cũng là lúc các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngư cụ trên địa bàn tỉnh bắt đầu vào vụ, tạo thêm việc làm cho nhiều người lao động địa phương.

Lọp cua đồng Mỹ Đức luôn được khách hàng tin tưởng.

Những ngày này, về ấp Cần Thới, xã Cần Đăng dễ dàng nhận thấy không khí nhộn nhịp, hối hả của người dân làng nghề làm lọp lươn. Anh Nguyễn Hoàng Sơn, ngụ ấp Cần Thới cho biết nghề này được hình thành và phát triển cách đây gần 50 năm. Sản phẩm nổi tiếng nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo nên không chỉ người dân trong tỉnh mà cả ở các địa phương lân cận cũng biết đến và tin dùng.

Nghề làm lọp lươn hoạt động quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng 5 đến tháng 10. Để giữ vững vị thế trên thị trường, các hộ sản xuất nơi đây không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng từng sản phẩm. Bên cạnh lọp làm từ tre, nhiều hộ còn phát triển thêm lọp làm từ ống nhựa PVC. Dù giá thành cao hơn, nhưng lọp làm từ nhựa bền, dễ thay thế linh kiện, tiện lợi hơn so với lọp tre.

Hiện những hộ làm lưới ba màng ở ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Đức cũng đang bước vào vụ cao điểm. Ông Lê Văn Vy, một trong những người có thâm niên trong nghề làm lưới ba màng cho biết nghề này phụ thuộc vào con nước, sản lượng tiêu thụ nhiều hay ít tùy theo mực nước hàng năm. “Nước lớn thì lưới bán được nhiều, năm nào mực nước thấp thì tiêu thụ giảm. Dù bấp bênh nhưng thu nhập từ nghề này vẫn sống được”, ông Vy chia sẻ.

Theo ông Vy, sản phẩm lưới ba màng ở ấp Mỹ Thành nổi tiếng về chất lượng nên được nhiều bạn hàng trong tỉnh và một số địa phương lân cận tin dùng. Đặc biệt, lưới ba màng còn được tiêu thụ mạnh ở thị trường Campuchia. Nghề sản xuất ngư cụ không chỉ giúp các chủ cơ sở làm ăn thuận lợi mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong lúc nông nhàn.

Tại xã Mỹ Đức, nghề làm lọp cua đồng cũng nổi tiếng nhờ mẫu mã đẹp, bền chắc. Ông Nguyễn Văn Khải - một thợ lành nghề làm lọp cua chia sẻ lọp cua của Mỹ Đức giá cao hơn nơi khác khoảng 10.000 đồng/cái nhưng vẫn được ưa chuộng vì sản phẩm được làm tỉ mỉ. “Tùy theo con nước mà thương lái đến đặt mua sớm hay muộn. Năm nào lũ “đẹp” thì từ tháng 9 trở đi nhu cầu tăng cao”, ông Khải nói.

Nghề sản xuất lưới 3 màng xã Mỹ Đức vẫn còn trụ vững với thời gian.

Tại làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa ở phường Long Xuyên, không khí cũng nhộn nhịp không kém. Làng nghề sản xuất khoảng 50 chủng loại lưỡi câu khác nhau, phục vụ đánh bắt cá sông, cá đồng, tôm, ếch, rắn và cả một số loài cá biển. Lưỡi câu Mỹ Hòa nổi tiếng sắc bén, đa dạng kích cỡ, chủng loại, đáp ứng nhu cầu đánh bắt ở nhiều môi trường khác nhau nên được thị trường ưa chuộng. Trung bình, một lao động lành nghề có thể kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Năm 2007, làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Làng nghề bắt đầu đổi mới công nghệ, sử dụng máy móc, mở rộng sản xuất hướng đến thị trường trong và ngoài nước.

Mùa lũ thường xuất hiện nhiều loài cá đồng và thủy sản nước ngọt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng. Nhu cầu mua sắm lưới và các loại ngư cụ tăng cao. Các làng nghề cũng đẩy mạnh sản xuất ngư cụ phục vụ nuôi trồng và đánh bắt cá biển, nhờ đó, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều người lao động nông thôn.

Không chỉ các hộ sản xuất, kinh doanh ngư cụ, thời điểm này, người dân ở khu vực đầu nguồn cũng đang tất bật chuẩn bị mùa đánh bắt mới. Dọc các tuyến đường ở các xã đầu nguồn như Vĩnh Xương, Vĩnh Hậu, Nhơn Hội, Phú Hữu... dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngư dân tranh thủ thời gian rảnh sửa soạn và vá lại tay lưới, chuẩn bị lọp cua, cây tràm, xuồng, ghe... sẵn sàng cho mùa mưu sinh. Mặc dù nguồn lợi từ mùa lũ hiện không còn dồi dào như trước, nhưng người dân đầu nguồn vẫn thu nhập khá nhờ nghề câu lưới, thậm chí “ăn nên làm ra” hơn nhiều nơi khác.

Bài và ảnh: ĐỨC TOÀN