Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các cơ sở thờ tự, đặc biệt là những ngôi chùa không thể tổ chức Đại lễ Vu Lan - một nghi lễ Phật giáo nhằm cầu mong cho ông bà, cha mẹ quá cố được về cõi an lành, cho những người còn sống được vui khỏe, bình an, hạnh phúc cùng con cháu. Thay vào đó, vào đêm 21-8 (ngày rằm tháng 7 âm lịch), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức cầu truyền hình Đại lễ “Vu Lan 3 miền” tại các điểm cầu Bệnh viện Dã chiến số 7 (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) và chùa Thiên An (tỉnh Bình Định).
Đại đức Thích An Đạt (thành viên ban tổ chức tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh) cho biết, điểm nhấn lớn nhất của “Vu Lan 3 miền” 2021 là nói về đạo hiếu, tình mẫu tử, về sự yêu thương của gia đình trong thời gian giãn cách xã hội, nhấn mạnh vào kết nối gia đình. Đồng thời, nhằm thể hiện lòng tri ân với tất cả những người cha, người mẹ là y, bác sĩ vì nhiệm vụ chống dịch đang phải ngày đêm xa gia đình, sát cánh chiến đấu cùng các bệnh nhân COVID-19. Cũng là thay lời tri ân của những bệnh nhân COVID-19 mùa Vu Lan năm nay không thể ở bên mẹ cha mình…
Ca khúc về mẹ được trình bày tại Bệnh viện Dã chiến số 7
Dịch bệnh COVID-19 thật vô tình, đã làm chia cách biết bao gia đình. Có những y, bác sĩ gạt đi tình riêng, nhiều tháng liền gửi con nhỏ cho ông bà chăm sóc để lên đường chống dịch. Những chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ chống dịch khi nghe tin cha, mẹ qua đời mà không thể về chịu tang. Đó là tâm tư của biết bao người con vì cuộc sống mưu sinh phải “tha phương cầu thực” nơi đất khách quê người tận tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh (thậm chí ở tận nước ngoài) nay trong giãn cách xã hội không thể về thăm khi hay tin cha mẹ nơi quê nhà đổ bệnh. Xót xa hơn là tình cảnh những đứa con chứng kiến cha mẹ là F0 lên xe cứu thương mà không thể đi theo để cận kề chăm sóc.
Sau đó là những ngày thấp thỏm, tìm cách liên lạc, thăm hỏi tình hình sức khỏe của cha mẹ. Điều không may là một số cha mẹ mang trong người nhiều bệnh lý nền nên không thể qua khỏi. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, vậy mà các con lại không thể nhìn cha mẹ lần cuối, không thể có được cái nắm tay đầy âu yếm như cảm giác những ngày còn thơ được cha mẹ nắm lấy đôi bàn tay nhỏ xíu… Đó chính là những nỗi đau đớn, sự mất mát không gì bù đắp được!
Dịch bệnh thật tàn nhẫn làm cho người ta phải đối diện cảnh sinh ly tử biệt, không thể làm tròn đạo hiếu, trả cái ơn sinh thành dưỡng dục nặng tựa núi Thái Sơn, rộng bao la như biển cả. Với sự nghiệt ngã, “vô thường” như trong đạo lý nhà Phật. Ở một góc độ nào đó, dịch bệnh càng làm cho người ta biết trân trọng hơn cuộc sống của hiện tại, giá trị của tình yêu thương, mới thấy được ai còn cha mẹ trên đời là điều quý giá nhất.
“Một bông hồng cho em/Một bồng hồng cho anh/Và một bông hồng cho những ai/Cho những ai đang còn mẹ/Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn”. Và để tận hưởng niềm vui còn cha, còn mẹ và thỏa được tấm lòng tri ân, không đợi đến lúc ta có nhiều tiền, nhiều thời gian mới có thể hiếu thảo, về thăm cha mẹ mà ngay khi cha mẹ còn sức khỏe, còn thời gian bên con cháu, ta hãy ân cần báo đáp.
Ở một góc độ khác, vì hoàn cảnh xã hội do dịch bệnh diễn biến phức tạp, do nhiều lý do ta không thể về thăm cha mẹ nhưng không có nghĩa là không hiếu thảo. Khi sinh con, nuôi con khôn lớn, cha mẹ chỉ mong sao cho con nên người, góp chút công sức cho xã hội. Do vậy, dù ở nơi xa xôi nào đó, nếu bản thân người con biết quan tâm thăm hỏi, sống tốt, làm điều tốt đẹp để cha mẹ yên lòng thì đó cũng là một cách báo hiếu.
Nhiều người mất đi cha mẹ do đại dịch đã làm những việc thiện nguyện bằng việc sẻ chia lương thực, thực phẩm, hỗ trợ y tế, xe cứu thương… đến những người bệnh khác, với niềm hy vọng dịch bệnh rồi sẽ qua mau, sẽ không còn nhiều người chịu cảnh mất đi người thân như chính mình, như một cách làm để những người cha, mẹ ở một thế giới khác cũng có thể tự hào, hạnh phúc vì con.
Một mùa Vu Lan buồn khi người người, nhà nhà phải sống trong giãn cách. Nhưng sau đó bao ân tình, tình cảm gia đình giữa ông bà, cha mẹ và con cháu lại thêm đong đầy, khăng khít hơn. Mong lắm những mùa Vu Lan yên bình và tốt đẹp hơn sẽ về!
Bài, ảnh: NGỌC GIANG