Sóng tràn lên lối đi bộ lát ván tại Bãi biển Mission ở San Diego trong sự kiện thủy triều vua vào tháng 12/2023. Ảnh: scripps.ucsd.edu
Phân tích do NASA dẫn đầu dựa trên hơn 30 năm quan sát vệ tinh, với lần phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1992 và lần phóng vệ tinh mới nhất là vào năm 2020. Nhìn chung, mực nước biển đã tăng khoảng 101 mm kể từ năm 1993. Tốc độ mực nước biển dâng cũng nhanh hơn, cao hơn 2 lần từ mức trên 1,7mm/năm vào năm 1993 lên hơn 4,3mm/năm ở thời điểm hiện tại.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự gia tăng đột biến đó là do hiện tượng El Nino, thay thế hiện tượng La Nina từ năm 2021 - 2022, khi mực nước biển dâng khoảng 2,03mm. Bên cạnh đó, yếu tố con người rõ ràng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Bà Nadya Vinogradova Shiffer, Phụ trách nhóm theo dõi mực nước biển của NASA và chương trình vật lý đại dương ở Washington, cho biết với tốc độ hiện tại, mực nước biển trung bình toàn cầu đang trên đà tăng thêm 20 cm từ nay đến năm 2050. Con số này sẽ cao gấp đôi trong 3 thập kỷ tới so với thế kỷ trước, khiến lũ lụt xảy ra thường xuyên với mức độ thảm khốc hơn trong tương lai so với hiện nay.
Nhà nghiên cứu mực nước biển Josh Willis tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA (JPL) nhận định trong những năm xuất hiện El Nino, lượng lớn mưa thường rơi trên đất liền sẽ đổ ra đại dương, khiến mức nước biển tạm thời dâng cao.
Theo người đứng đầu nhóm theo dõi mực nước biển JPL của NASA Ben Hamlington, các bộ dữ liệu dài hạn như bản ghi vệ tinh 30 năm cho phép nhóm nghiên cứu phân biệt các tác động ngắn hạn đối với mực nước biển, như El Nino với các xu hướng cho thấy mực nước biển đang dâng tới đâu. Những đổi mới công nghệ đã giúp các phép đo trong những năm qua có độ chính xác cao hơn.
Theo TTXVN