Theo không quân Mỹ, oanh tạc cơ B-1B Lancer thực hiện chuyến bay kéo dài 5 giờ liên tục vào ngày 30-10, qua vịnh Aden, eo biển Bab el-Mandeb, Biển Đỏ, kênh đào Suez, vịnh Arab, eo biển Hormuz và vịnh Oman nằm dọc biên giới Iran.
Chuyến bay của oanh tạc cơ B-1B Lancer có sự hộ tống của máy bay chiến đấu từ Bahrain, Ai Cập, Israel và Ả Rập Xê-út. Theo hình ảnh do không quân Mỹ công bố, đi cùng B-1B Lancer có tiêm kích hạng nặng F-15 Arab Saudi và Israel, cùng chiến đấu cơ hạng nhẹ F-16 của Bahrain và Ai Cập.
0anh tạc cơ B-1B Lancer của Mỹ được hộ tống bởi các tiêm kích đồng minh thị uy gần Irran. (Ảnh: AP)
Bộ Tư lệnh Trung tâm lực lượng không quân Mỹ cho biết, các máy bay được điều động đi qua các địa điểm theo hành trình bay “để gửi một thông điệp rõ ràng về sự trấn an của Mỹ đối với khu vực”.
Trong những năm gần đây, tại eo biển Hormuz và biển Đỏ đã diễn ra một số vụ tấn công hàng hải, trong đó các bên liên quan đổ lỗi cho Iran đã thực hiện các vụ tấn công này.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ được cho là đã triển khai các chuyến bay bằng máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân trong nỗ lực thị uy sức mạnh với Iran.
Hôm 31-10, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ tin rằng ngoại giao là cách tốt nhất để khiến Iran quay trở lại bàn đàm phán về thỏa thuận hạt nhân đã bị hủy bỏ, song cũng sẽ không loại trừ một phản ứng quân sự nếu Tehran không "tham gia nhanh chóng, thiện chí”.
Ông Antony Blinken cũng cảnh báo, thời hạn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân cũng nhanh chóng trở nên ngắn hơn, đặc biệt nếu Iran muốn giành lại những lợi ích từ thỏa thuận.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden nối lại các cuộc đàm phán về hạt nhân Iran sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái khởi động các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Theo KÔNG ANH (VTC News)