Mỹ: Người dùng iPhone trung thành hơn người dùng smartphone Android?

08/08/2021 - 08:40

Năm 2017, Android chiếm khoảng 2/3 thị phần smartphone tại Mỹ. Sau 4 năm, tỷ lệ ở mức 50/50, cho thấy iPhone có sự thăng tiến lớn về doanh số cũng như mức độ yêu thích của người dùng.

Trong vài năm trở lại đây, thị trường điện thoại thông minh tại Mỹ đã đạt đến sự cân bằng. Số lượng người mua iPhone của Apple và số người mua các thiết bị smartphone Android đạt tỷ lệ khoảng 50/50.

Tuy nhiên, sự cân bằng này đang dần biến mất khi ngày càng có nhiều người dùng chọn mua iPhone. Điều gì đã khiến cho smartphone Android mất đi thị phần tại Mỹ? Theo nghiên cứu từ Consumer Intelligence Research Partners (CIRP), nguyên nhân có thể đến từ sự trung thành của người dùng.

Con số nhỏ tạo nên sự khác biệt lớn

Theo nghiên cứu của CIRP, tính đến năm 2017, smartphone Android đã nắm giữ khoảng 2/3 thị trường điện thoại thông minh tại Mỹ. Trong khi đó, lượng thiết bị chạy hệ điều hành iOS chỉ chiếm 1/3 thị trường.

Tại Mỹ, số lượng người mua iPhone của Apple và số người mua các thiết bị smartphone Android đạt tỷ lệ khoảng 50/50.

Vào thời điểm này, mức độ trung thành của người dùng Android đạt khoảng 91%, trong khi mức độ trung thành của người dùng iOS chỉ đạt 86%. Điều đó có nghĩa cứ 91 trong tổng số 100 người dùng smartphone Android sẽ tiếp tục sử dụng nền tảng này khi nâng cấp điện thoại. Trong 4 năm trở lại đây, mức độ trung thành của người dùng điện thoại Android đã giảm nhẹ, trong khi chỉ số này lại dần tăng lên ở người dùng iOS.

"Sự trung thành của người dùng giúp giải thích một số thay đổi về tỷ lệ kích hoạt điện thoại mới. iOS đang dần chiếm được ưu thế trong cuộc đua dài hạn. Trong những quý gần đây, Apple ghi nhận sự trung thành của người dùng đạt mức 93% khách hàng nâng cấp lên iPhone mới, so với mức 88% người dùng Android ở lại với nền tảng. Trong vài năm, iOS tăng được 5% điểm trung thành trong khi Android lại giảm nhẹ. Điều này giúp Apple tăng thị phần điện thoại mới kích hoạt", Mike Levin, đồng sáng lập của CIRP cho biết.

Nói cách khác, sự trung thành của người dùng Android đã giảm nhẹ, trong khi đối với người dùng iOS, chỉ số này lại tăng lên. Mặc dù con số thay đổi khá nhỏ nhưng đã giúp tạo ra cán cân 50/50 như hiện nay.

CIRP đưa ra kết luận này thông qua việc khảo sát 500 người mua điện thoại mới trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến 6. Con số này tương đối nhỏ nhưng số liệu của CIRP khá giống nghiên cứu của các công ty khác. Chẳng hạn, dữ liệu của Counterpoint cho thấy, thị phần iOS tại Mỹ đạt khoảng 50% vào năm ngoái, dù có thay đổi nhẹ trong từng quý.

Sự trung thành của người dùng smartphone Android liên tục giảm

Trong khi số liệu của CIRP cho thấy sự trung thành của người dùng Android gần như không thay đổi lớn, dữ liệu từ SellCell lại cho thấy một câu chuyện khác. SellCell khảo sát khoảng 5.000 người Mỹ về thiết bị di động của họ và thu được một vài kết quả khá thú vị.

Theo SellCell, mức độ trung thành với thương hiệu của người dùng Apple đạt mức cao nhất với 92%, tăng 1,5 điểm % so với 2 năm trước.

Theo đó, mức độ trung thành với thương hiệu của người dùng Apple đạt mức cao nhất với 92%, tăng 1,5 điểm % so với 2 năm trước. Con số này khá tương đồng với của CIRP. 

Cũng trong 2 năm đó, Samsung chứng kiến điểm trung thành với thương hiệu của người dùng giảm từ 85,7% xuống còn 74%. Điều này đồng nghĩa cứ 4 người dùng Samsung thì có một người muốn chuyển sang thương hiệu khác vào lần đổi điện thoại tiếp theo. Đáng chú ý, 53% của nhóm này muốn chuyển sang iPhone.

Các thương hiệu smartphone Android khác cũng ghi nhận mức độ trung thành của người dùng giảm xuống. Chẳng hạn, mức độ trung thành của điện thoại Google Pixel giảm từ 84% trong năm 2019 xuống 65,2% năm 2021. Hai thương hiệu Motorola và LG thậm chí còn tệ hơn khi lần lượt 71% và 62,6% người được hỏi cho biết sẽ đổi thương hiệu điện thoại.

Vì sao có sự thay đổi này?

Câu hỏi thú vị nhất ở đây không phải thương hiệu hoặc nền tảng nào giữ được sự trung thành của người dùng, mà tại sao lại có sự thay đổi đó?

Một trong các lý do đến từ quyền riêng tư. SellCell cho biết 31,5% người được hỏi có ý định chuyển từ điện thoại Samsung sang iPhone vì những lo ngại về quyền riêng tư. Trong vài năm qua, Apple luôn thúc đẩy yếu tố bảo mật trên những chiếc iPhone. 25,2% người dùng Samsung khác nói rằng họ đổi điện thoại vì giá bán lại của các thương hiệu khác tốt hơn.

Một trong các lý do khiến người dùng thay đổi sự trung thành đến từ quyền riêng tư.

Dù vậy, không phải tất cả người dùng iPhone đều cảm thấy hạnh phúc với chiếc điện thoại của mình và muốn đổi sang thương hiệu khác. Khoảng 38% người dùng iPhone cho rằng công nghệ tốt hơn là lý do khiến họ chuyển đổi, trong khi 26,4% thích thiết kế của các điện thoại khác còn 12,9% thích các tính năng mới trên các mẫu di động Android.

Vậy lý do lớn nhất khiến người dùng gắn bó với thương hiệu mà họ lựa chọn là gì? Đó là hệ sinh thái và nỗi sợ thay đổi.

Apple sở hữu lượng người dùng cực kỳ trung thành tại Mỹ, nhưng bức tranh toàn cầu của hãng không được như vậy. iPhone chỉ chiếm khoảng 15-17% thị phần smartphone toàn cầu. Với thị phần xấp xỉ 85%, Android vẫn vượt trội hoàn toàn so với iOS nếu xét về thị phần.

Theo THẾ ANH (Dân Trí)