Xe bọc thép của quân đội Thổ Nhĩ kỳ được vận chuyển tới Sanliurfa, gần khu vực biên giới với Syria ngày 16-1. Ảnh: AFP-TTXVN
Phát biểu với các phóng viên, ông McKenzie cho biết Mỹ tiếp tục thảo luận với phía Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng thiết lập "vùng an toàn", một vấn đề được Mỹ nghiên cứu trong vài năm qua, nhưng đưa quyết định cuối cùng. Ông không nói chi tiết về "vùng an toàn", song các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu rằng Washington ủng hộ thiết lập một "vùng an toàn" lên tới 30 km bên trong lãnh thổ Syria.
Cuộc xung đột bùng phát tại Syria từ năm 2011 khiến hơn 340.000 người thiệt mạng, lại đang diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20-1 tiến hành chiến dịch quân sự mang tên "Nhành ô-liu" nhằm đánh bật lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại tỉnh Afrin, miền Bắc Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara tuyên bố đây là chiến dịch nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố, song vấn đề này đã gây căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước đồng minh phương Tây trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhất là Mỹ, nước ủng hộ YPG trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Một số nước thành viên NATO lo ngại hành động này của Ankara có thể ảnh hưởng tới cuộc chiến chống các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Syria.
Cùng ngày, đề cập tới chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố mọi quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ đều có quyền tự vệ với điều kiện hành động này phải được thực hiện một cách cân xứng và có kiểm soát.
Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn thông cáo báo chí của ông Stoltenberg, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo cho các đồng minh NATO về chiến dịch quân sự tại miền Bắc Syria. Theo ông Stoltenberg, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước thành viên NATO phải gánh chịu nhiều nhất hậu quả của nạn khủng bố.
Trong khi đó, ngày 25-1, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ Ankara trong chiến dịch chống lực lượng dân quân người Kurd tại miền Bắc Syria.
Phát biểu với báo giới, sau khi gặp các quan chức cấp cao EU tại Brussels, Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU) Omer Celik cho rằng Ankara đang bảo vệ "những lợi ích an ninh hợp pháp" khi tiến hành chống YPG tại Syria.
Trước đó, ông Celik đã gặp Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban châu Âu Frans Timmerman và Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, người đã từng bày tỏ "vô cùng quan ngại" về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ chống YPG.
Đến nay, bất chấp sự phản đối của Chính phủ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định mục đích của chiến dịch này là tiêu diệt các phần tử khủng bố và Ankara "không bao giờ có ý định" xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Liên quan vấn đề này, ngày 25-1, giới chức chính quyền tỉnh Afrin kêu gọi Chính phủ Syria có biện pháp nhằm chấm dứt hoạt động của máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trên không phận Syria, cũng như nỗ lực hơn để bảo vệ biên giới.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã lên án cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad cảnh báo các lực lượng chính phủ Syria có thể bắn hạ máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Báo Tin Tức