Mỹ thừa nhận nỗ lực thay đổi chế độ ở Iran trong suốt 20 năm qua

20/12/2024 - 08:24

Washington đã công khai thừa nhận rằng trong hơn hai thập kỷ qua, họ đã tiến hành các nỗ lực nhằm thay đổi chế độ tại Iran nhưng không đạt được thành công.

Chú thích ảnh

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một sự kiện tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) ở New York (Mỹ) mới diễn ra gần đây.

Khi được hỏi liệu Mỹ có nên tiếp tục chính sách thay đổi chế độ ở Iran hay không, ông Blinken thẳng thắn: “Nếu nhìn lại 20 năm qua, những thử nghiệm của chúng ta về thay đổi chế độ không thực sự là những thành công vang dội”, ông nói, khiến khán giả bật cười.

Ngoại trưởng Blinken lý giải rằng việc thiếu quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran kể từ tháng 4/1980, sau cuộc khủng hoảng con tin năm 1979, là một trong những nguyên nhân chính khiến nỗ lực thay đổi chế độ tại nước Cộng hòa Hồi giáo này không thành công.

Ông cũng nhấn mạnh rằng tình hình tại Iran rất "phức tạp", và Mỹ "không phải là nguồn đáng tin cậy nhất để có cái nhìn rõ ràng về vấn đề này" do sự gián đoạn trong quan hệ song phương.

Ngoại trưởng Blinken cho rằng, dù có nhiều người phản đối Cộng hòa Hồi giáo Iran, nhưng sự đối lập đó “không hẳn rõ ràng như chúng ta nghĩ”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận rằng có một "bộ phận rất bảo thủ trong xã hội Iran", những người vẫn trung thành với chính quyền hiện tại.

Kế hoạch gây ảnh hưởng từ bên ngoài

Ngoại trưởng Blinken tiết lộ Washington từng cố gắng khuấy động xã hội Iran, nhưng thừa nhận “làm điều đó từ bên ngoài là vô cùng khó khăn”.

Ông nói: “Chúng tôi đã nỗ lực, vào nhiều thời điểm khác nhau, để hỗ trợ những người dân Iran muốn một tương lai khác cho đất nước mình, giúp họ có khả năng giao tiếp, đứng lên đấu tranh, và có nguồn lực để làm điều đó”.

Lo ngại hạt nhân và áp lực mới từ chính quyền Tổng thống đắc cử Trump

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng cảnh báo rằng Iran có thể đang nghiêm túc cân nhắc việc phát triển vũ khí hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.

Ông kêu gọi chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ phải đàm phán với Tehran để ngăn chặn viễn cảnh này.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021), ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, một thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran. Ông cũng triển khai chiến dịch “sức ép tối đa” lên Tehran, với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc.

Theo TTXVN