Năm Thìn tìm hiểu những thần thoại về con Rồng

09/02/2024 - 09:55

Năm 2024 được coi là năm của con Rồng. Dưới đây là vài truyền thuyết điển hình có liên quan tới loài vật này trong đời sống văn hóa các quốc gia phương Đông.

Trong quan niệm xa xưa ở các quốc gia phương Đông, rồng là loài có sức mạnh to lớn khi được miêu tả “có thể thổi ra mây; điều khiển các mùa; cai trị vùng nước ở các sông hồ, kênh rạch hay thậm chí ở biển”. Tại hai quốc gia là Trung Quốc và Việt Nam, rồng được xếp vào danh sách 12 con giáp.

rong 1.jpg

Con rồng phun mưa. Ảnh: Zcool.cn/ Baidu

Vì rồng được người dân nhiều quốc gia phương Đông sùng kính, nên cũng có vô số truyền thuyết gắn liền với loài vật này.

Ở Trung Quốc

Truyền thuyết phổ biến có liên quan tới con rồng ở Trung Quốc xa xưa thường là về Long vương (Vua rồng), tức những vị thần có đầu rồng cai trị các vùng nước ở sông hồ, kênh rạch hay biển. Nơi sinh sống của các Long vương thường là Long Cung (còn có tên khác là Thủy Cung, Thủy Phủ).

rong 2.jpg

Tứ hải Long vương. Ảnh: Baijiahao Baidu

Trong quan niệm của người Trung Quốc cổ xưa, nơi các Long Vương sinh sống là bốn vùng biển ứng với bốn hướng gồm Đông Hải, Tây Hải, Nam Hải và Bắc Hải. Mỗi vùng biển này đều do một vị Long Vương cai quản. Những vị Long vương này đều có khả năng hô mưa gọi gió, giúp người nông dân bảo vệ mùa màng khỏi nạn hạn hán...

rong 3.jpg

Hình tượng Long Cung, nơi các Long vương sinh sống. Ảnh: Baijiahao Baidu

Ngoài ra, rồng cũng được người Trung Quốc xếp vào hàng “Tứ linh” cùng với một số loài vật khác như Phượng (con chim Phượng hoàng); Lân (con Kỳ lân) và Quy (tức con rùa), hay xuất hiện trong sự tích về 12 con giáp.

Rồng trong truyền thuyết Nhật Bản

Thần thoại nổi bật về loài rồng được người dân Nhật Bản truyền tai nhau là trận chiến giữa rồng 8 đầu 8 đuôi (một số dị bản ghi là rắn) Orochi và thần bão tố Susanoo.

Chuyện kể rằng, Susanoo bị chị mình là thần mặt trời Amaterasu đuổi khỏi Thiên đình. Khi đi tới sông Hii thuộc địa phận tỉnh Izumo, Susanoo gặp hai vợ chồng thần đất Kunitsukami đang ngồi đó than khóc. Sau khi hỏi chuyện, ông biết được việc cặp vợ chồng thần đất trên hàng năm phải cống nạp một người con gái cho rồng Orochi, và sắp tới sẽ phải cống nạp người con gái thứ 8 và cũng là cuối cùng tên Kushinadahime.

rong 4.jpg

Thần Susanoo chiến đấu với rồng Orochi. Ảnh: Wikipedia

Thấy vậy, Susanoo liền hỏi cưới Kushinadahime, và biến cô này thành một chiếc lược cài vào tóc. Sau đó, ông nhờ vợ chồng thần đất chuẩn bị 8 vò rượu sake có nồng độ cao để dụ rồng Orochi uống. Khi Orochi đã say ngà ngà vì thưởng thức rượu, Susanoo cầm đao lao ra kết liễu con quái vật.

Tại Việt Nam

Ngoài câu chuyện “Con Rồng cháu Tiên” có nội dung liên quan tới Lạc Long Quân và Âu Cơ nói về nguồn gốc người Việt, thì ở Việt Nam còn có truyền thuyết về Vịnh Hạ Long.

rong 5.jpg

Vịnh Hạ Long. Ảnh: Wikipedia

Truyền thuyết kể rằng khi người Việt mới lập nước đã bị nạn ngoại xâm. Ngọc Hoàng cai trị trên thiên đình thấy vậy, liền sai rồng mẹ cùng một đàn rồng con xuống hạ giới giúp người Việt bảo vệ đất nước. Khi thuyền giặc tiến ào ạt vào bờ, thì đàn rồng cũng bay xuống hạ giới và nhanh chóng đánh tan quân ngoại xâm.

Sau khi đánh thắng quân giặc, đàn rồng đã không quay về trời mà quyết định ở lại hạ giới. Về sau, nơi Rồng Mẹ đáp xuống được người dân Việt gọi là Vịnh Hạ Long.

Theo VietNamNet