Nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm chủ lực của An Giang

11/08/2022 - 07:04

 - An Giang là vựa lúa của cả nước và trung tâm sản xuất, chế biến cá da trơn tầm cỡ thế giới. Với quan điểm phát triển ngành nông nghiệp dựa trên lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chủ lực và nhu cầu thị trường, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh 4 sản phẩm chủ lực (cá tra thương phẩm, lúa gạo chất lượng cao, rau màu và xoài) trên thị trường trong nước và quốc tế ở tất cả các khâu của chuỗi giá trị.

Định hướng 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Tỉnh xác định nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, từ đó thu hút đầu tư của doanh nghiệp (DN) và thúc đẩy liên kết sản xuất áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ (nông nghiệp chính xác, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh) và sản xuất theo các tiêu chuẩn của từng thị trường. Tập trung đầu tư cho các sản phẩm nông sản chủ lực, tránh đầu tư dàn trải. Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng cụm ngành, liên kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế biến, logistics và du lịch. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp theo hướng giảm dần quy mô sản xuất những ngành hàng không có lợi thế cạnh tranh và chuyển dần sang những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh và có thị trường. Xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của An Giang trên thị trường.

Đối với ngành lúa gạo chất lượng cao, tỉnh duy trì diện tích gieo trồng lúa đến năm 2025 đạt 550.000-600.000ha, diện tích canh tác xấp xỉ 200.000ha. Giảm dần diện tích gieo trồng lúa tại các khu vực, những mùa vụ canh tác không hiệu quả, chuyển đổi linh hoạt sang các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao hơn như nuôi trồng thủy sản, rau màu, cây ăn trái hoặc lúa luân canh với cây trồng, vật nuôi khác (lúa - tôm, lúa - cá, lúa - rau màu). Tăng diện tích sản xuất áp dụng các kỹ thuật canh tác cải tiến và tỷ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa lúa gạo đặc trưng của tỉnh.

Đối với cá tra thương phẩm phát triển ổn định diện tích nuôi cá tra tập trung đạt 1.500-1.600ha đến năm 2025; phát triển các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường đạt 70%; hoàn thiện việc cấp mã số vùng nuôi cho diện tích nuôi cá tra đạt 90% trên tổng diện tích.

Đối với rau màu, phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau màu chủ lực của tỉnh đến năm 2025 với quy mô xấp xỉ 6.000ha… Cơ cấu lại sản phẩm rau màu theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm qua chế biến. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích rau màu chuyên canh có liên kết theo chuỗi giá trị đạt 1.000ha; tỷ lệ tiêu thụ theo hợp đồng liên kết đạt trên 50% sản lượng.

Đối với cây xoài, hình thành vùng sản xuất xoài tập trung với diện tích 8.000-9.000ha… Đẩy mạnh sản xuất theo hướng có chứng nhận, có khả năng truy xuất nguồn gốc, trong đó diện tích tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... từ 4.000-5.000ha; cấp mới mã số vùng trồng cho vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái 4.000ha. Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, tỷ lệ diện tích sản xuất có liên kết tiêu thụ 40%; xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; mở rộng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), Hàn Quốc…

Giải pháp nâng cao chất lượng

TS Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược nông nghiệp - phát triển nông thôn) đề xuất, để phát triển 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tỉnh cần có các giải pháp chung về: Thu hút đầu tư DN vào nông nghiệp; phát triển thị trường, khoa học - công nghệ, hợp tác và cơ sở hạ tầng.

Về thu hút đầu tư DN vào nông nghiệp: Tiếp tục ổn định và cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Phát triển các mô hình “Cà-phê với DN”. Thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư. Liên hệ với các tổ chức, văn phòng thương mại của các nước tổ chức tọa đàm, diễn đàn về đầu tư. Tiếp tục triển khai các chính sách về đất đai tạo quỹ đất sạch và xây dựng sơ sở hạ tầng thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp và chế biến. Về phát triển thị trường cần xây dựng đề án tổng thể thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản chủ lực. Xây dựng quầy tiêu thụ nông sản tỉnh tại các điểm du lịch lớn, cho thuê/đấu thầu với mức giá ưu đãi để các DN quảng bá và bán các sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Hình thành một trung tâm logistic nhằm phát triển các dịch vụ hỗ trợ thương mại. Đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực và tiềm năng, chính ngạch hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc…

Bên cạnh đó, cần phát triển khoa học - công nghệ, quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho nông sản chủ lực; hướng tới phát triển hệ thống “kế toán, nhật ký” đồng ruộng, thị trường tích hợp với chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã. Đồng thời, phát triển cơ sở hạ tầng, các hệ thống thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất. Thu hút đầu tư hạ tầng kho bãi tại các vùng nguyên liệu lớn.

Giải pháp phát triển

TS Đặng Kim Sơn lưu ý, để phát triển ngành hàng lúa gạo cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước. Đối với ngành hàng cá tra cần phối hợp các DN cá tra lớn thực hiện các nghiên cứu tận dụng các phụ phẩm từ cá tra, như: Collagen, gelatin, tận dụng bùn thải từ hầm cá tra làm phân bón... Phát triển ngành hàng rau màu, cần chuyển đổi để hình thành các vùng trồng rau màu tập trung gắn với liên kết sản xuất và các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường. Thu hút đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu, chế biến phục vụ thị trường trong nước, xuất khẩu.

Để phát triển ngành hàng xoài, cần hình thành các vùng trồng xoài tập trung gắn với liên kết sản xuất và các tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường, tránh chuyển đổi nhỏ lẻ, manh mún. Tuyên truyền về chính sách quản lý truy xuất nguồn gốc của các thị trường chính, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ… để khuyến khích người dân đăng ký cấp mã số vùng trồng. Vận động các cơ sở đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói. Biện pháp căn cơ cần thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy bảo quản, xử lý và chế biến trái cây phục vụ xuất khẩu tại tỉnh.  

HẠNH CHÂU