Nâng cao ý thức hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm

01/11/2021 - 05:22

 - Hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm xả chất thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường là nỗi lo lắng, bức xúc của người dân xung quanh. Trao đổi, nhắc nhở hộ chăn nuôi không mang lại hiệu quả, người dân đành nhờ đến chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc. Đồng thời, đề nghị HĐND tỉnh An Giang có tiếng nói để can thiệp, giải quyết tình trạng trên.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường địa bàn tỉnh được phối hợp thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thông qua ngày môi trường hàng năm, tập huấn, sổ tay, tờ bướm, truyền thông trên báo chí, các mô hình bảo vệ môi trường… Qua đó, góp phần làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, đoàn thể trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, người dân đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn hoạt động chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; Sở TN&MT An Giang hướng dẫn người dân thu gom, hướng dẫn địa phương mở rộng tuyến thu gom để đảm bảo môi trường nông thôn đạt tiêu chí nông thôn mới.

Để giúp cho cán bộ phụ trách TN&MT ở địa phương nắm bắt và hiểu trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tham mưu kiểm tra, xử lý theo đúng quy định khi có vụ việc cụ thể xảy ra, năm 2018, Sở TN&MT biên soạn và phát hành Sổ tay Kiểm tra về TN&MT gửi đến Phòng TN&MT huyện, UBND cấp xã; có văn bản đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng TN&MT, UBND cấp xã nghiên cứu triển khai thực hiện.

Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung nêu tại sổ tay; công tác xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm về quản lý chất thải, quy định về xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường, quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư… (theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) tại các buổi tuyên truyền pháp luật ở địa phương.

Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực chăn nuôi và thu rác thải sinh hoạt, vẫn còn một số phản ánh bức xúc của cử tri. Sở TN&MT An Giang ghi nhận và xử lý cụ thể từng trường hợp phản ánh. Qua khảo sát và báo cáo của địa phương, đa số phản ánh liên quan đến hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, tận dụng đất vườn nhà để chăn nuôi không theo quy hoạch, tự phát theo kinh nghiệm. Chính vì vậy, họ không thực hiện theo quy chuẩn chăn nuôi, không đảm bảo quy chuẩn khoảng cách an toàn, không áp dụng các quy trình chăn nuôi sạch và an toàn theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải, tận dụng chất thải để sử dụng cho mục đích có lợi (ủ biogas)…

Để giải quyết căn cơ vấn đề này, trước hết ngành nông nghiệp sớm triển khai các quy định của Luật Thú y năm 2015 và Luật Chăn nuôi năm 2018; tham mưu UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và Quyết định 1520/QĐ-TTg, ngày 6-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, định hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, nông hộ chuyên nghiệp theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp; chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường… Đối với hộ không có khả năng chuyển đổi thì ngành nông nghiệp hướng dẫn xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; phối hợp UBND cấp huyện, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với hộ cố tình vi phạm hoạt động xả thải.

Các ngành, các cấp tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, vận động hộ chăn nuôi nâng cao ý thức và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Đồng thời, UBND cấp xã phải tăng cường hơn nữa, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt theo quy định trường hợp hộ chăn nuôi phát sinh không đảm bảo khoảng cách, xen trong dân cư, không xử lý chất thải chăn nuôi.

K.N