Giao ban bàn giải pháp nâng chất hoạt động thẩm tra
Đổi mới cách làm
Thời gian qua, HĐND các cấp bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy Đảng, cụ thể hóa thành nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, phù hợp điều kiện và tình hình thực tế địa phương. Có được kết quả này, chính là nhờ sự đóng góp không nhỏ của các Ban HĐND trong công tác thẩm tra.
Trên cơ sở phân công, điều hòa của thường trực HĐND, các ban HĐND chủ động thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết; đổi mới cách làm và phương pháp tiếp cận. Đối với nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, một số địa phương khảo sát tình hình thực tế làm cơ sở thẩm tra. Do đó, chất lượng thẩm tra không ngừng được nâng lên.
“Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND huyện An Phú tổ chức 9 kỳ họp, xem xét 32 báo cáo thẩm tra của các ban HĐND huyện. Kết quả thẩm tra là một trong những căn cứ quan trọng để HĐND huyện ban hành 35 nghị quyết về lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tổ chức… Báo cáo thẩm tra đánh giá, phân tích hạn chế, chỉ ra nguyên nhân, đề xuất, kiến nghị cụ thể, thể hiện được chính kiến, có tính phản biện cao, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp” - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện An Phú Trần Thị Bé Hồng thông tin.
“Tại các cuộc họp thẩm tra, ngoài ủy viên của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, chúng tôi mời lãnh đạo HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, UBND, UBMTTQ tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy và nhiều cơ quan liên quan để làm rõ nội dung chưa thống nhất. Nếu cơ quan trình dự thảo chuẩn bị không tốt hoặc không giải trình được vấn đề đặt ra, chúng tôi yêu cầu chỉnh sửa lại tờ trình, dự thảo nghị quyết, hoặc báo cáo Thường trực HĐND tỉnh không đưa vào nội dung chương trình kỳ họp. Nhờ đó, công tác tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung dự thảo nghị quyết được chú trọng, nâng cao tính khả thi của nghị quyết, tiết kiệm thời gian kỳ họp” - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Lê Tuấn Khanh chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tổ chức thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND của các địa phương vẫn còn hạn chế nhất định. “Hầu hết địa phương đều có chung hạn chế: Một số văn bản của UBND cấp huyện gửi đến Thường trực HĐND cùng cấp chậm so thời gian quy định; đa số ủy viên của ban hoạt động kiêm nhiệm, chưa dành thời gian cho hoạt động nghiên cứu, thẩm tra của ban; tính phản biện trong báo cáo thẩm tra chưa cao… Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thẩm tra là một trong những nội dung quan trọng cần được nghiên cứu, trao đổi làm rõ” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đinh Thị Việt Huỳnh nhận định.
Nâng cao trách nhiệm
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng khẳng định, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, HĐND các cấp cần lưu ý 5 vấn đề. Trong đó, quan trọng nhất là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động HĐND; nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của HĐND, đổi mới phương thức lãnh đạo, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để thường trực và các ban HĐND thực hiện tốt nhiệm vụ. Thường trực HĐND phân công thẩm tra đúng lĩnh vực của các ban phụ trách; kiện toàn tổ chức các ban HĐND; ban hành quy chế hoạt động của ban, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên.
Đối với thành viên các ban HĐND, phải là lực lượng nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên cập nhật văn bản mới, văn bản lãnh, chỉ đạo của cấp trên; theo dõi sát tình hình thực tế địa phương. Đây là căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn để thực hiện quyền và nghĩa vụ của thành viên trong công tác thẩm tra. Thành viên phải có ý thức trách nhiệm, sắp xếp thời gian tham dự đầy đủ các cuộc họp thẩm tra; chủ động nghiên cứu, kịp thời nắm bắt nội dung văn bản, chuẩn bị ý kiến đóng góp thẩm tra.
“Đặc biệt, quá trình thẩm tra phải được thực hiện đúng quy trình, khách quan, trung thực, chỉ ra vấn đề cốt lõi cần giải quyết, thể hiện được chính kiến của cơ quan thẩm tra; có những kiến nghị xác đáng, khả thi. Báo cáo phải thể hiện rõ quan điểm nhất trí hay không nhất trí; kiên quyết kiến nghị với HĐND không thông qua đối với các dự thảo nghị quyết chưa đảm bảo yêu cầu, chưa phù hợp tình hình thực tế địa phương. Nội dung báo cáo thẩm tra cần nêu sự phù hợp của nội dung dự thảo báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương; nêu tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành; gợi mở vấn đề HĐND cần thảo luận, làm rõ vấn đề còn có ý kiến khác nhau… để cung cấp thông tin cho đại biểu xem xét, thảo luận; đề xuất nhiều giải pháp làm cơ sở cho HĐND quyết nghị. Tin tưởng rằng, thường trực, các ban HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian tới”- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhấn mạnh.
GIA KHÁNH