Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa tham quan hố khai quật Mái Đá Ngườm lần 5 được mở rộng phạm vi sâu, rộng hơn so với khai quật lần thứ 4.
Mái Đá Ngườm có dạng hàm ếch, nằm trên sườn núi, cao hơn mặt đường dân sinh khoảng 30m và cao hơn so với mực nước sông Thần Sa khoảng 40m. Diện tích bề mặt mái đá còn vết tích tầng văn hóa rộng gần 1.000m2.
Đến nay, Mái Đá Ngườm đã được tiến hành khai quật 5 lần, vào các năm: 1981, 1982, 1985, 2017 và lần gần đây nhất là vào đầu năm 2024 do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên thực hiện.
Trong lần khai quật thứ 5 mới đây, các nhà khoa học phát hiện sự tồn tại của các lớp văn hóa có cấu trúc và màu sắc hoàn toàn khác biệt so với trước, lớp văn hóa 5 có màu cam, khô và bở rời; lớp văn hóa 6 có màu nâu vàng ẩm hơn nhưng cấu trúc bở rời chứa nhiều tảng đá vôi nhỏ.
Trong các lớp văn hóa 5 và 6 đều phát hiện các công cụ mảnh, hạch cuội nguyên liệu, công cụ hạch, mảnh tước, mảnh tách cùng di cốt động vật, hạt quả và một số lượng khiêm tốn các loài nhuyển thể trên cạn và dưới nước. Đặc biệt, khai quật phát hiện xương động vật cháy.
Đợt khai quật này mang lại những nhận thức mới, làm nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ có uy tín xúc động về những hiện vật thu được, xác định niên đại cư trú của con người có thể sớm hơn so với niên đại đã xác định rất nhiều.
Mái Đá Ngườm đã được tiến hành khai quật 5 lần, vào các năm: 1981, 1982, 1985, 2017 và lần gần đây nhất là vào đầu năm 2024 do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên thực hiện.
Tại hội nghị báo cáo kết quả khai quật di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm lần thứ 5 được tổ chức mới đây, sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện cơ quan chuyên môn khẳng định giá trị của di chỉ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng yêu cầu Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương tiếp tục tham khảo ý kiến, tư vấn của các nhà khoa học và tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận đây là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt.
Đồng thời, yêu cầu bổ sung quy hoạch tổng thể khu di tích này vào quy hoạch chung của huyện Võ Nhai, bảo đảm diện tích quy hoạch phù hợp, không ảnh hưởng đến vùng lõi, vùng đệm của khu di tích.
Trước mắt cần nghiên cứu, tham khảo các chuyên gia để triển khai các giải pháp bảo vệ, bảo tồn lâu dài di tích. Về lâu dài, cần quan tâm bảo tồn không gian văn hóa Thần Sa, phát huy giá trị của di tích nhằm thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế.
Theo THẾ BÌNH (Báo Nhân Dân)