Nâng tầm giá trị rau rừng núi Cấm

08/09/2023 - 06:14

Là đặc sản của núi Cấm (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang), rau rừng được du khách gần xa ưa thích, giống như cua núi, ốc núi hay cá chành sục (cá suối). Nhằm phục vụ du khách và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, ngành chuyên môn đã tập huấn cho người dân trên núi về kỹ thuật chế biến món ăn kết hợp rau rừng, để nâng tầm giá trị của loại đặc sản này.

Đặc sản nổi danh

Đến núi Cấm, ngoài việc thăm cảnh vật hữu tình và chiêm bái các đấng siêu nhiên, du khách còn bị thu hút bởi những loại rau rừng ăn kèm với bánh xèo. Thực tế, để có được một dĩa rau rừng phục vụ du khách, người dân trên núi phải tìm kiếm, khai thác loại đặc sản này khá vất vả.

Là người chuyên hái rau rừng trên núi Cấm, anh Trần Văn Hoàng thông tin: “Sơ bộ, núi Cấm có trên 20 loại rau rừng. Ngoài những loại phổ biến có thể tìm mua ở chợ, còn có những thứ đặc sản chỉ có chốn non cao này, như: Đọt bứa, ngành ngạnh, đọt trại, rau xá xị... mà mỗi loại đều có dược tính riêng.

Ngày trước, dân trên núi chủ yếu hái rau ăn trong gia đình, nên vườn nhà lúc nào cũng có đủ thứ. Khi bánh xèo rau rừng trở thành đặc sản, người ta phải đi hái ở xa hơn. Có loại phải cất công đi từ sáng sớm, vượt dốc, băng rừng mới hái được để giao cho các tiệm bán bánh xèo phục vụ du khách”.

Mỗi ngày, anh Hoàng kiếm được 20 - 30kg rau đem giao cho các tiệm bán bánh xèo. Mùa mưa đến, cây cối sinh trưởng mạnh nên sản lượng rau rừng tăng lên. Nhờ đó, cuộc sống gia đình anh được cải thiện. Tuy nhiên, do nguồn rau ngày càng hiếm, anh đã tính đến chuyện trồng một số loại ở gần nhà. Vì vẫn là thổ nhưỡng trên núi Cấm, nên phẩm chất rau đảm bảo tươi ngon, mang hương vị đặc trưng.

Với du khách, dĩa bánh xèo kèm rau rừng là món ăn đầu tiên xuất hiện trong thực đơn của họ khi đến núi Cấm. Những rổ rau tươi xanh được trưng bày ở các tiệm bán bánh xèo luôn có sức hút kỳ lạ. Chúng kích thích vị giác của du khách bởi màu sắc đỏ, xanh phong phú, nhất là những mặt rau họ chưa được nếm thử bao giờ.

Vào quán ngồi, chưa cần biết khách dùng bánh nhiều hay ít, người bán sẽ đon đả bưng ra một dĩa rau to đặt lên bàn. Cái phong cách hào sảng ấy của người miền Tây khiến du khách thích thú. Khi những miếng bánh xèo kèm rau rừng được chấm vào chén nước mắm chua ngọt, món ăn dân dã này thực sự chinh phục được du khách gần xa.

“Năm nào lên núi Cấm, tôi phải ăn cho được bánh xèo rau rừng. Mình ăn khá ít, nhưng tới đây vẫn dùng hết dĩa rau to. Thích nhất là những loại rau không thể tìm thấy ở chợ mà hương vị rất ngon. Bởi vậy, lên núi Cấm mà không ăn bánh xèo rau rừng là điều đáng tiếc” - chị Ngọc Hà (du khách ở tỉnh Bến Tre) vui vẻ.

Nâng cao giá trị

Không dừng lại ở việc phục vụ du khách kiểu truyền thống, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm đã phối hợp Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn tổ chức tập huấn kỹ thuật chế biến món ăn kết hợp rau rừng núi Cấm, cho người dân kinh doanh dịch vụ ăn uống trong Khu du lịch núi Cấm. Qua đó, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người dân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ẩm thực tại địa phương.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Ngọc chia sẻ: “Với sự nổi tiếng sẵn có của rau rừng núi Cấm, chúng tôi muốn nâng tầm loại đặc sản này để phục vụ du lịch. Thay vì thưởng thức theo kiểu dân gian, rau rừng cần góp mặt vào những món ăn được chế biến cầu kỳ, công phu hơn nhằm khai thác hết giá trị thực dưỡng của chúng. Bằng cách đưa các nguyên liệu mang tính đặc thù núi Cấm vào chế biến các món ăn mới lạ, hấp dẫn, sẽ góp phần xây dựng thương hiệu du lịch núi Cấm nói riêng và An Giang nói chung ngày càng đặc sắc trong mắt du khách”.

Anh Nguyễn Ngọc Thông (Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn) cho rằng, bên cạnh giá trị ẩm thực, rau rừng núi Cấm còn mang dược tính nên cần khai thác đa dạng loại đặc sản này. “Tôi đã hướng dẫn các học viên về phương pháp chế biến các món ăn có nguồn gốc từ thiên nhiên, những đặc sản nổi tiếng của Tịnh Biên, trên cơ sở kết hợp các loại nguyên liệu có sẵn tại núi Cấm, như: Cá lóc nướng - cuộn rau rừng, măng xào mắm ruốc - rau rừng, bánh khọt nhân vịt xiêm rau rừng, gỏi su thịt bò, lẩu măng lá bứa thịt gà, kho quẹt hoặc mắm me kèm rau rừng… Mong rằng, những món ăn này sẽ giúp người dân núi Cấm phục vụ du khách tốt hơn, khai thác hiệu quả những thứ đặc sản mà thiên nhiên ban tặng cho ngọn núi hùng vĩ, xinh đẹp này” - anh Thông nhấn mạnh.

Được tiếp cận với kiến thức chế biến rau rừng, chị Cù Minh Như Quỳnh (kinh doanh trên núi Cấm) cho hay: “Đa số du khách muốn tìm hiểu những món ăn mới lạ, đặc sản của vùng Bảy Núi khi đến An Giang trải nghiệm. Do đó, những món ăn đơn giản kết hợp rau rừng, trái cây theo mùa có sẵn trên núi Cấm sẽ là lợi thế để người kinh doanh ăn uống thu hút, níu chân du khách ở lại lâu hơn”.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng sẵn có, mục tiêu nâng tầm rau rừng núi Cấm sẽ khả thi trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, rất cần sự nỗ lực của ngành chuyên môn, sự nhiệt tình của người dân trên núi Cấm trong quá trình khai thác, bảo tồn để rau rừng thực sự trở thành một phần trong giá trị du lịch của “nóc nhà miền Tây”.

THANH TIẾN