Không chỉ CEO Elon Musk của SpaceX, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA cũng đồng tình cho rằng con người có thể sống trên Mặt trăng trong thập kỷ này.
Howard Hu, người đứng đầu dự án tàu vũ trụ Mặt trăng của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA chia sẻ rằng sứ mệnh Artemis cho phép con người có nền tảng bền vững và hệ thống vận hành tốt, giúp nghiên cứu, hoạt động trong môi trường không gian rộng lớn, xa xăm đó.
Howard Hu cho biết: "Điều thực sự quan trọng đối với chúng tôi là tìm hiểu thêm về quỹ đạo Trái Đất và sau đó là thực hiện một bước tiến lớn khi con người chinh phục sao Hỏa. Đây là bước đầu tiên chúng tôi thực hiện thám hiểm không gian sâu dài hạn. Chúng tôi đang quay trở lại Mặt trăng, hướng tới chương trình bền vững. Đây sẽ là phương tiện đưa con người trở lại Mặt trăng một lần nữa".
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ đã gửi tên lửa thế hệ tiếp theo của mình vào vũ trụ trong một phần sứ mệnh Mặt trăng Artemis I đầy tham vọng sau nỗ lực thất bại trong nhiều năm trì hoãn và tiêu tốn hàng tỷ USD.
Tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) cất cánh từ Mũi Canaveral ở Florida và gửi tàu vũ trụ Orion trên đường tới quỹ đạo của Mặt Trăng. Orion sẽ tiếp tục hướng tới Mặt trăng, nó sẽ quay xung quanh Mặt trăng trong vài ngày trước khi quay trở lại Trái đất vào ngày 11/12.
Theo dự kiến, phi hành gia sẽ xuất hiện trong nhiệm vụ Artemis 2 bay vòng quanh Mặt Trăng. Nhiệm vụ Artemis 3 sẽ diễn ra sau đó một năm, đưa phi hành gia hạ cánh gần cực nam của Mặt Trăng, khu vực định xây căn cứ có người ở. Đây sẽ là cuộc đổ bộ lên Mặt trăng có người lái đầu tiên kể từ sứ mệnh Apollo 17 vào năm 1972.
Chuyến đi này có thể sẽ xuất hiện người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên đi bộ trên Mặt trăng. Artemis I sẽ cung cấp nền tảng cho hoạt động khám phá của con người trong không gian sâu thẳm và thể hiện cam kết cũng như khả năng của NASA trong việc đưa con người trở lại Mặt trăng.
Theo Infonet