Tuy NASA không tin chúng là những con nhện thật, nhưng phát hiện này đã gây bối rối cho cộng đồng khoa học trong một thời gian.
"Nhện Sao Hỏa" cũng gây ấn tượng mạnh mẽ đối với công chúng vì vẻ ma quái, nhất là khi chúng xuất hiện ở một khu vực nhìn giống như thành phố cổ của người Inca.
Giờ đây, nhóm nghiên cứu đẫn dầu bởi TS Lauren Mc Keown thuộc Phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực (JPL) của NASA đã tái tạo một số điều kiện trong khu vực và tìm ra sự thật về "đàn nhện" này.
Trong mô hình được gọi là Kieffer, ánh sáng Mặt Trời xuyên qua lớp băng carbon dioxide trong suốt của Sao Hỏa vào mùa xuân.
Bức xạ bước sóng nhiệt bị giữ lại, làm nóng lớp đất đá bên dưới lớp băng và khiến lớp băng không thấm nước này thăng hoa từ đáy.
Thông qua quá trình này, người ta đề xuất rằng nhện sẽ được tạo ra do sự xói mòn thông qua luồng khí tốc độ cao làm xói mòn lớp đất đá bên dưới, trong khi các cấu trúc hình cánh quạt và nhiều đốm khác nhau sẽ nằm rải rác trên bề mặt băng, được lắng đọng bởi một luồng bụi và khí.
Để đem về câu trả lời này, nhóm nghiên cứu NASA đã phải tái tạo áp suất không khí cực thấp và nhiệt độ -185 độ C của Sao Hỏa bằng buồng thử nghiệm làm lạnh bằng nitơ lỏng.
Kết quả là một môi trường giống như bán cầu Nam của hành tinh, là nơi "thành phố Inca" tọa lạc.
Thông qua quá trình giống như được mô tả, những con nhện ma quái đã xuất hiện trong phòng thí nghiệm của NASA.
Nhện Sao Hỏa không phải là sự sống, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc NASA ngưng theo đuổi sự sống ngoài hành tinh nơi đây.
Trái lại, việc hiểu rõ thêm những môi trường kỳ lạ trên hành tinh này - được tiết lộ thông qua các cấu trúc đặc biệt - có thể giúp họ hiểu thêm về cách hành tinh tiến hóa, và từ đó xem xét liệu sự sống có thể ở đâu trong quá khứ, là dạng sống nào và dấu vết nó để lại sẽ như thế nào.