Đình Nam Bộ, người miền Nam hay gọi tắt là đình thần, là nơi thờ thần Thành Hoàng. Những vị Thành Hoàng hay Thần Hoàng thường không phải là những vị thần linh trong nhiều văn hóa tín ngưỡng mà là các hiền nhân, những anh hùng, bậc công thần có công xây dựng quê hương, là người thật với nhiều đóng góp to lớn cho quá trình xây dựng xã hội.
Ví như Lễ hội kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn), cùng ngày diễn ra Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn. Đây được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của huyện Thoại Sơn nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của danh thần Thoại Ngọc Hầu. Lễ hội là dịp để thế hệ con cháu tri ân, tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Dâng hương danh thần Thoại Ngọc Hầu
Lễ hội diễn ra với các hoạt động văn hóa - thể thao, như: Thi đấu thể dục - thể thao ở các trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng; hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch Thoại Sơn; tuyên truyền xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao... được diễn ra sôi nổi.
Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn mang đậm dấu ấn truyền thống của lễ hội đình làng Nam Bộ, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái. Lễ hội mang nhiều giá trị và tiềm năng phục vụ cho việc phát triển du lịch bền vững ở địa phương.
Lễ kỳ yên có nghĩa là cầu an, là lễ tế thần Thành hoàng lớn nhất trong năm của một ngôi đình. Từ lâu, lễ kỳ yên được xem là phần không thể thiếu trong nét văn hóa của người Việt, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Với người dân Nam Bộ, việc đi lễ kỳ yên được gọi thân thương là đi… cúng đình.
Thông thường, lễ kỳ yên được diễn ra vào tháng Giêng đến tháng 4 (âm lịch). Cũng có đình diễn ra lễ kỳ yên vào những tháng cuối năm âm lịch, tùy vào phong tục của mỗi địa phương. Ngày nay, lễ kỳ yên được tổ chức trong 3 ngày, gồm nhiều lễ tế, như: Lễ thỉnh sắc, túc yết, xây chầu, hát chầu, tế tiền hiền, hậu hiền…
Điều làm nên nét đặc sắc của các lễ kỳ yên là phần hội. Ở phần hội gồm các chương trình múa lân, múa rồng, trò chơi dân gian… Người dân đến với lễ kỳ yên, ngoài mục đích cầu phước, cầu tài, cầu lộc, còn là dịp ôn lại truyền thống lịch sử ông cha khai hoang xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đồng thời, được thỏa sức thưởng thức chương trình nghệ thuật hát bội. Đây là loại hình nghệ thuật sân khấu tồn tại từ rất lâu đời ở Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng. Đến nay, loại hình nghệ thuật sân khấu có tuổi đời hàng trăm năm này vẫn tồn tại, đặc biệt trong các buổi cúng kỳ yên ở đình làng.
Hát bội dịp cúng đình
Những ngày này, lễ cầu an đang diễn ra tưng bừng tại nhiều ngôi đình, miếu trong tỉnh. Đây cũng là dịp để mọi người thưởng thức những tuồng xưa, tích cũ nổi tiếng, thể hiện niềm đam mê với loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Xem tuồng cổ, vui hội kỳ yên trở thành nét đẹp văn hóa của người dân. Khi thấy gánh hát kéo về dựng sân khấu là biết đình, miếu địa phương sắp tổ chức đại lễ cầu an. Ai cũng háo hức vì được sống trong những ngày hội vui tươi với nhiều hoạt động đậm đà bản sắc văn hóa dân gian.
“Qua Tết, tôi lại trông cho mau đến ngày 15/4 (âm lịch) để đi cúng đình thần Bình Phú (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành). Ngày xưa, dẫn theo con nhỏ, giờ mấy đứa cháu cũng lon ton xin theo bà đi cúng đình. Với tụi nhỏ, cúng đình là dịp để vui chơi, ăn uống thỏa thích.
Vì 3 ngày cúng đình, người ta buôn bán tấp nập quanh sân đình, kèm theo đó là rất nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn, như: Chuột bọ, ném lon, ném phi tiêu, kêu lô tô… Riêng tôi, lần nào đi cúng đình, tôi cũng ngồi xem hết tuồng hát bội mới về” - bà Nguyễn Thị Năm (ngụ xã Bình Hòa) bày tỏ.
Điều đặc biệt, môn nghệ thuật tưởng chừng dành riêng cho những “ông già, bà cả” lại có sức hấp dẫn đối với giới trẻ. Sự hiện diện của những nam thanh, nữ tú vừa làm cho không khí lễ kỳ yên thêm tưng bừng, vừa minh chứng nghệ thuật tuồng cổ vẫn có một sức hấp dẫn mãnh liệt.
Những vở tuồng cổ “một thời vang bóng”, như: “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”, “Phụng Nghi Đình”, “Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê”, “Lưu Kim Đính”... làm sống dậy tình yêu nghệ thuật tuồng cổ trong lòng khán giả qua những buổi hát đình và “tô điểm” nét đẹp lễ hội kỳ yên từ hàng trăm năm qua.
PHƯƠNG LAN