Nét quê thu nhỏ qua mô hình tiểu cảnh

17/12/2021 - 06:10

 - Từ niềm đam mê, qua đôi bàn tay khéo léo, hình ảnh nhà cổ, đình, chùa... đặc trưng kiến trúc Việt Nam hay nhũng ngôi nhà sàn trên sông mang đậm phong cách miền sông nước Nam Bộ được thể hiện trông rất chân thật và đậm chất quê.

Không chỉ đơn thuần là thú chơi, những mô hình tiểu cảnh theo hình ảnh nhà sàn trên sông còn góp phần lưu giữ nét văn hóa độc đáo của người dân sông nước

Lưu giữ hình ảnh quê

Sinh ra và lớn lên miền sông nước, hình ảnh những ngôi nhà sàn trên sông đã in sâu vào tâm trí của nhiều người. Cũng chính sự gần gũi, thân quen đó đã thôi thúc anh Đinh Phước Sang và Nguyễn Anh Minh (phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) sáng tạo những mô hình tiểu cảnh dựa trên những hình ảnh hoài niệm.

Những ngôi nhà miền Tây của anh Sang và Minh có nhiều chi tiết, tiểu tiết sống động. Từ hình ảnh chiếc ghe, bộ bàn ghế, lu, khạp đựng nước sinh hoạt, ăng-ten, máy kole (chạy xuồng, ghe)... đều được thể hiện một cách rất chân thật. Để làm được như vậy, cả 2 đều phải tỉa tót, uốn nắn từng chi tiết. Đặc biệt, kiến trúc ngôi nhà từ lan can, đến các khung cửa, mái ngói, được chạm khắc công phu; đường nét, góc cạnh cầu kỳ, tinh xảo lồng vào nhau rất đẹp. Chỉ cần nhìn vào cột chống nhà sàn và nét trạm trổ là phân biệt được mức độ giàu nghèo của gia chủ.

Chất liệu để tạo nên những ngôi nhà được sử dụng thường là phomex, giấy bìa cứng. Các chi tiết được kết nối bằng keo dán sắt và được sơn bằng màu sơn tường. Theo anh Minh, để làm ra những mô hình tiểu cảnh, việc đầu tiên phải lên ý tưởng sản phẩm. Sau khi đã có ý tưởng, anh Sang và Minh bắt đầu phải dựng khung sườn và tạo dáng, đo chiều dài, tỷ lệ, khi hoàn thành xong mô hình là tới phần sơn, đây là phần quan trọng nhất của tiểu cảnh . Vì phần màu sơn sẽ làm nổi bật, sống động cho sản phẩm.

Đặc biệt, do kích thước được thu nhỏ nên phải chú trọng từng chi tiết, đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và kiên trì... Vì cố gắng tái hiện những chi tiết thật nhất, đúng nhất với bản mẫu và giữ trọn vẹn hồn cốt của công trình thực ngoài đời... nên mỗi tác phẩm phải mất nhiều thời gian và công sức mới có thể hoàn thành.

Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình này, anh Sang và Minh có hàng chục tác phẩm về những ngôi nhà sàn, ghe, thuyền, đình, chùa, nhà cổ đặc trưng kiến trúc của Việt Nam… được hoàn thành. Những khuôn mẫu đình chùa, được lấy cảm hứng từ những kiến trúc đặc trưng thời Lý, Nguyễn với những chi tiết ở phần mái, đuôi phượng độc đáo. Về nhà ở dân gian, cả 2 thường mô phỏng những ngôi nhà sàn cách đây hơn nửa thế kỷ. Hiện nay, anh Minh và Sang mong muốn làm thêm nhiều công trình cổ xưa, như: Nhà sàn Bác Tôn, đèn Bốn ngọn, Trung tâm thương mại Long Xuyên, Rạp hát Thanh Liêm…

Giáo dục thế hệ trẻ

Đối với anh Minh và Sang, việc tạo những mô hình tiểu cảnh theo hình dáng những ngôi nhà sàn Nam Bộ là ước muốn giữ gìn, tái hiện nét văn hóa của dân tộc. Còn đối với anh Nguyễn Hùng Cường (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) việc tạo ra những mô hình này góp phần giáo dục học sinh về cuộc sống của ông bà ngày xưa, gợi cho các em tình yêu quê hương, nơi mình được sinh ra và lớn lên.

Anh Cường cho biết, sinh ra ở miền quê sông nước, tuổi thơ gắn liền với hình ảnh những ngôi nhà sàn trên sông, nên anh có tình cảm đặc biệt. Theo thời gian, những ngôi nhà đơn sơ dần được thay thế bằng nhà tường kiên cố. Vượt qua mong muốn trang trí hồ thủy sinh, ở tác phẩm này, anh Cường hy vọng có thể tái hiện lại một vài cảnh nhà cũ, gợi cảm giác hoài niệm đến những người đã từng sống hoặc thích những hình ảnh này.

Ngôi nhà sàn với những chiếc ghe đậu cạnh nhà; sào phơi đồ, cầu thang, lu nước, thậm chí là những cây ăng-ten đều được khéo léo đưa vào tác phẩm. Những tác phẩm của anh Cường chủ yếu bằng tăm tre, bìa carton, thanh củi... và dùng keo dán lại. Anh Cường cho biết, cái khó khi thực hiện những tác phẩm này là công đoạn lên ý tưởng. Đặc biệt, những tác phẩm đều được anh tính toán cẩn thận sao cho tỷ lệ giống với thực tế. Do mỗi chi tiết đều khá nhỏ nên đòi hỏi rất nhiều vào sự khéo léo, tỉ mỉ của đôi tay. Bình quân mỗi tác phẩm phải mất khoảng 3-4 ngày mới hoàn thành.

Hiện nay, những tác phẩm của anh Nguyễn Hùng Cường được những người đam mê tiểu cảnh đón nhận. Họ yêu quý bởi sự gần gũi, hoài niệm về cuộc sống của người dân miền sông nước. Đặc biệt, những tác phẩm của anh còn được sử dụng tại một số trường học trong huyện Tri Tôn. Thông qua những tác phẩm này, giáo viên sẽ giới thiệu cho các em học sinh hiểu về cuộc sống của thế hệ đi trước. Để các em có thể hiểu thêm về nét văn hóa đặc trưng của người dân miền sông nước nói chung, tỉnh An Giang và huyện Tri Tôn nói riêng.

ĐỨC TOÀN