Trăm năm… tranh kiếng
Những ngày giáp Tết, không khí tấp nập, nhộn nhịp ở các cơ sở làm tranh kiếng lâu năm trên vùng đất cù lao Ông Chưởng lại làm người ta nôn nao hẳn lên. Thăm một cơ sở làm tranh kiếng có tiếng lâu đời nhất nhì ở xã Long Điền B, Chợ Mới (An Giang), chúng tôi được tiếp đón nồng hậu dù mọi người đang hối hả cho ra những sản phẩm mới để kịp bán Tết.
Gần 40 năm gắn bó với nghề gia truyền của gia đình, anh Nguyễn Thanh Hòa (sinh năm 1965, ngụ ấp Long Tân, xã Long Điền B) nhớ lại: “Nghề tranh kiếng cũng được xếp vào hàng những nghề “trăm năm cũ”. Nghề này ra đời bao lâu cũng không ai rõ. Chỉ biết là, từ thời ông bà tôi, nghề này đã xuất hiện và nuôi sống biết bao gia đình.
Thời hoàng kim nhất của nghề vẽ tranh kiếng là khoảng thập niên 90, khi đó tranh kiếng được xem là đồ trang trí rất độc đáo với những hình ảnh, hoa văn thân thuộc, gắn bó với người Việt.
Kèm theo là những câu giảng, khuyên răn của nhà Phật để con người sống thiện, làm lành. Nay, dẫu thời “vàng son” đã qua nhưng tranh kiếng vẫn có vị thế nhất định, bởi so về mẫu mã, màu sắc cũng không thua kém bất cứ loại tranh nào khác trên thị trường hiện nay”.
Tranh kiếng qua nét vẽ tài hoa của người thợ
Nhiều người lại dí dỏm gọi tên nó bằng cụm từ khá thú vị: nghề vẽ ngược. Vì tranh kiếng ra đời nhờ những nét vẽ ngược tài hoa của người thợ. Với người ngoài nghề, vẽ thuận thôi cũng là một thử thách nói gì đến vẽ ngược, tưởng tượng thôi cũng thấy độ khó đến nhường nào! Ấy vậy mà, những người thợ gắn bó lâu đời với nghề làm tranh kiếng lại rất say mê, cần mẫn với từng bức tranh của mình.
Để bức tranh kiếng đẹp và có hồn đòi hỏi người thợ vẽ phải đặt cả tâm tư, tình cảm của mình vào đấy. Từ bố cục đến từng nét vẽ hay màu sắc đều phải thật hài hòa. Với những thợ mới vào nghề, để hoàn thiện một bức tranh là chuyện… không đơn giản.
Chính vì thế, mỗi người thợ phải mất tầm vài năm mới thành thạo với nghề, nhưng hơn hết vẫn là niềm đam mê và không ngừng học hỏi, sáng tạo, tư duy qua mỗi nét vẽ của mình để không bị “tụt” hậu.
Hồn dân tộc qua tà áo dài Việt Nam
Áo dài là một biểu tượng văn hóa đã đi sâu vào tâm thức người Việt. Chả thế mà khắp nơi trên dãy đất hình chữ “S”, đâu đâu người ta cũng bắt gặp những tiệm bán, may áo dài từ lớn đến nhỏ, từ phô trương đến âm thầm lặng lẽ.
Theo năm tháng, nghề may áo dài đã có lúc bị lãng quên, nhường chỗ cho những bộ “cánh” lộng lẫy, hay những bộ com - lê sang trọng. Nhưng theo thời gian, người thợ may áo dài vẫn vẹn nguyên một tình yêu với tà áo dài thướt tha được mệnh danh là Quốc phục của nước Việt Nam.
Cùng với dòng chảy thời gian, chiếc áo dài bây giờ cũng khác xưa rất nhiều. Không còn cổ cao, tà áo ngang vừa gối, chiếc áo dài hiện đại được nhiều chị em ưa chuộng phải có chiều dài đến mũi chân, tà áo phải rộng. Tùy vào sở thích của khách, người thợ sẽ tạo thêm điểm nhấn cho chiếc áo dài bằng việc thêu thêm hoa văn, gắn hạt, xâu chuỗi để tôn thêm sự quyến rũ cho người mặc.
Ảnh: THANH HÙNG
Dẫu nghề xưa cũ nhưng chiếc áo dài Việt Nam chưa bao giờ là cũ. Theo từng thời kỳ, từng sự kiện mà chiếc áo dài được cách tân sao cho phù hợp nhất nhưng cốt vẫn là làm sao giữ được tinh hoa, tinh thần dân tộc qua tà áo dài thướt tha.
Áo dài còn là trang phục được phái đẹp chọn ưu tiên mặc nhiều trong các sự kiện đăc biệt như cưới hỏi hay lễ Tết, nó thể hiện truyền thống, sự nền nã dịu dàng nhưng không kém phần quý phái của phụ nữ Việt Nam.
Vâng, với những lý do đó, chúng tôi xin gọi những người theo nghề xưa cũ như tranh kiếng hay may áo dài là “vượt qua ranh giới” của cuộc đời, của guồng quay mưu sinh thông thường.
Bởi ngoài ý nghĩa là sống và tồn tại cùng nghề và nghiệp thì những nghề xưa cũ ấy có sức sống tuy âm ỉ nhưng rất mạnh mẽ, với những giá trị chân – thiện – mỹ mà nó mang lại.
Chiêm ngưỡng từng bức tranh kiếng hay mỗi tà áo dài thướt tha đâu đơn thuần vì nó đẹp. Quan trọng hơn là trong nó ẩn chứa cả tâm tư, tình cảm, ước mơ và bao giá trị nhân văn cao đẹp của con người Việt Nam.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN