Đây là mức giảm nhiều nhất trong một tuần dù đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát mạnh tại tiểu bang đã lấy đi sinh mạng hơn 10.000 người.
Chuyển thi thể bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới nhà xác dã chiến ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 9-4-2020. Ảnh: AFP-TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại New York, tại cuộc họp báo cập nhật tình hình dịch bệnh, Thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết ngoài số người tử vong ghi nhận xu hướng giảm nói trên, số ca nhiễm đang điều trị tại viện là 18.825 ca, tăng 118 ca, nhưng mức tăng số ca nhập viện trung bình trong 3 ngày qua đã giảm mạnh. Số bệnh nhân mới nhập viện trong 24 giờ qua là 1.958 người, mức thấp nhất trong thời gian 2 tuần.
Tại cuộc họp báo riêng trước đó, Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết số ca phải nhập viện ở riêng thành phố này đã giảm 17% trong 24 giờ qua, từ 463 người xuống còn 383 người. Số người phải điều trị tích cực cũng giảm nhẹ, từ 857 người xuống 835 người.
Liên quan đến việc khi nào hệ thống trường công tại New York sẽ được mở lại, Thống đốc Cuomo và Thị trưởng de Blasio vẫn chưa đưa ra quyết định. Ngày 13-4, Thị trưởng de Blasio vẫn khẳng định các trường công lập của thành phố New York sẽ đóng cửa đến hết năm học, như quyết định mà ông đưa ra ngày 11-4. Trong khi đó, Thống đốc Cuomo bác bỏ quyết định đó.
Tính trên cả nước Mỹ, đến sáng 14-4 (giờ Việt Nam), đã ghi nhận 586.941 ca nhiễm và 23.640 ca tử vong do COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trước tình hình dịch bệnh các chuyên gia y tế công và một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định mục tiêu mở cửa lại nền kinh tế Mỹ vào ngày 1-5 là không thực tế.
Trả lời phỏng vấn trong một chương trình của truyền hình ABC News vào ngày lễ Phục sinh 12-4, quan chức Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ Stephen Hahn cho biết vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định nối lại các hoạt động kinh tế vào ngày 1-5 là phù hợp.
Chia sẻ quan điểm này, Tiến sĩ Anthony S. Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cho rằng thay vì đột ngột mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế, chính quyền nên thực hiện đối với từng khu vực căn cứ vào diễn biến dịch bệnh thực tế của từng vùng cũng như đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn. Tuy nhiên, ông Fauci cũng lưu ý rằng nguy cơ virus SARS-COV-2 sẽ lại hoạt động mạnh vào cuối năm nay.
Trước đó, Giám đốc Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe thuộc Đại học Washington, ông Christopher Murray cũng lên tiếng cảnh báo việc dỡ bỏ các hạn chế trong vào tháng tới đồng nghĩa với việc sau đó khoảng 2-3 tháng, nước Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với tình huống tương tự như hiện nay. Ông cho rằng một số tiểu bang của Mỹ có thể mở cửa vào giữa tháng Năm, tuy nhiên cần phải hết sức thận trọng.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Bộ Y tế Mexico dự báo dịch COVID-19 ở nước này sẽ bước sang giai đoạn 3 (cấp độ đại dịch) trong 10 ngày tới và đỉnh dịch sẽ rơi vào khoảng cuối tháng Tư và đầu tháng Năm. Theo thông báo của bộ trên, số ca nhiễm trên cả nước hiện đã lên tới 5.014 người sau khi ghi nhận thêm 353 ca. 19,27% trên tổng số ca nhiễm bệnh cần chăm sóc y tế tích cực và 3,14% trong tình trạng nguy kịch. Đến nay Mexico đã ghi nhận 332 ca tử vong trong nước và 181 ca là công dân nước này sinh sống tại Mỹ.
Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch, Chính phủ Mexico đang gấp rút tăng cường số giường bệnh và ký hợp đồng mua vật tư, trang thiết bị y tế từ Trung Quốc trị giá 56,5 triệu USD, cũng như đề nghị Mỹ bán 10.000 máy thở và 10.000 máy monitor theo dõi để chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh. Chính phủ cũng đã ký thỏa thuận với các bệnh viện tư trong nước, qua đó huy động thêm 3.300 giường bệnh chăm sóc tích cực đối với bệnh nhân nặng, nâng tổng số giường chăm sóc tích cực lên trên 8.000.
Tại một quốc gia khác ở Bắc Mỹ là Canada, số bệnh nhân COVID-19 ở nước này tử vong tiếp tục tăng. Chỉ trong một ngày, số ca tử vong tại Canada đã tăng khoảng 9%, lên 734 người trong tổng số 24.804 trường hợp nhiễm bệnh. Các con số tương ứng của ngày 12-4 là 674 người tử vong và 23.719 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Canada cũng đã xúc tiến đặt Trung Quốc sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân. Các nhân viên ngoại giao của Canada tại Trung Quốc, các chuyên gia tư vấn, cùng hai hãng hàng không của Canada (Air Canada và Cargojet) và một công ty vận tải-hậu cần đã lên kế hoạch khẩn cấp thiết lập một mạng lưới cung ứng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) do Trung Quốc sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn của Canada.
Trước đó, một chuyến bay của Cargojet chở hàng triệu khẩu trang N95 từ Trung Quốc đã hạ cánh Hamilton (Canada) hôm 11-4. Đây là chuyến bay thứ 3 chuyển về Canada các trang thiết bị y tế thiết yếu do Canada đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc.
Canada thuê một công ty tư vấn đa quốc gia hỗ trợ xác định các nhà máy đáng tin cậy về chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của Canada. Canada cũng thuê Bolloré Logistics (một công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải-hậu cần, có trụ sở tại Pháp, hoạt động tại Thượng Hải từ năm 1994) để đảm bảo các đơn hàng của Canada được giao đúng hạn.
Số bệnh nhân COVID-19 tại Canada tử vong tiếp tục tăng. Chỉ trong một ngày, số ca tử vong tại nước này đã tăng khoảng 9%, lên 734 người trong tổng số 24.804 trường hợp nhiễm bệnh. Các con số tương ứng của ngày 12-4 là 674 người tử vong và 23.719 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Tại khu vực Nam Mỹ, Bộ Y tế Brazil cho biết tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này là 5,7%. Tính đến ngày 13-4, tổng số ca nhiễm tại Brazil đã lên tới 23.430 ca, trong đó số ca tử vong là 1.328 ca. Bang Sao Paulo hiện là tâm dịch, sau đó là các bang Rio de Janeiro, Ceara, Amazonas, Pernambuco và Minas Gerais.
Cùng ngày, Tổng thống Peru Martin Vizcarra cho biết nước này đã ghi nhận 2.265 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 9.784 ca. Theo ông, số ca nhiễm tăng cao là vì nước này đã mở rộng xét nghiệm trong người dân. Peru hiện đang duy trì lệnh phong tỏa, giới nghiêm và các biện pháp giãn cách xã hội khác đến ngày 26-4 và những người vi phạm sẽ bị phạt.
Theo Báo Tin Tức