Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cụ thể, nhà khoa học Sarah Kessans của Đại học Canterbury đã phát triển phần cứng để hoạt động độc lập trên quỹ đạo, cho phép các nhà khoa học dưới Trái Đất nghiên cứu cách protein kết tinh trong môi trường vi trọng lực và sử dụng những hiểu biết của họ để phát triển các loại thuốc và vaccine hiệu quả hơn cùng với các ứng dụng khác. Phần cứng này đã được đưa lên ISS bằng một tên lửa đẩy phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ) trong ngày 22/3. Đi kèm với phần cứng trên là các thí nghiệm về protein từ các trường đại học Canterbury, Otago, Victoria và Waikato của New Zealand.
Theo Bộ trưởng Khoa học, Đổi mới và Công nghệ, kiêm Bộ trưởng Vũ trụ New Zealand Judith Collins, nghiên cứu của bà Kessans là ví dụ truyền cảm hứng về cách công nghệ vũ trụ đẩy nhanh sự đổi mới trên Trái Đất. Chính phủ New Zealand cam kết phát triển lĩnh vực vũ trụ, thúc đẩy đổi mới và hỗ trợ quan hệ đối tác giữa cộng đồng nghiên cứu New Zealand với các cơ quan vũ trụ quốc tế và các đối tác thương mại.
Trước đó, cũng trong tháng này, New Zealand đã hoan nghênh việc phóng thành công vệ tinh nghiên cứu môi trường MethaneSAT, đánh giá đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của lĩnh vực vũ trụ và trong việc tăng cường cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Tuyên bố của chính phủ nêu rõ MethaneSAT là vệ tinh tiên tiến được thiết kế để phát hiện khí thải metan một cách chính xác và góp phần vào các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Theo TTXVN