Theo hãng thông tấn Reuters, hiện chỉ còn 5 vùng tại Nga tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa, trong đó có tỉnh Bryansk ở miền tây và Novgorod ở vùng tây bắc. Một số địa phương khác duy trì việc yêu cầu người dân xuất trình mã QR chứng nhận tiêm vắc xin khi đến nhà hàng, quán cà phê và trung tâm thương mại.
Thủ đô Moscow vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất trong hơn một năm qua, khi chỉ cho phép những cửa hàng thiết yếu như hiệu thuốc và siêu thị được mở cửa. Tuy nhiên, giới chức thành phố không yêu cầu người dân phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng khi tham gia các hoạt động công cộng.
Người dân Nga chen chúc lên chuyến tàu tại ga metro Kurskaya, Moscow hôm 8-11. Ảnh: Reuters
Nga hôm 8-11 vẫn ghi nhận 1.190 ca tử vong bởi COVID-19 trên toàn quốc trong 24 giờ qua, cao hơn so với những ngày trước thời điểm việc dỡ bỏ phong tỏa chính thức có hiệu lực.
Hãng thông tấn TASS, dẫn lời một quan chức y tế cấp cao của Nga, cho biết tình hình ở các khu vực xung quanh thủ đô Moscow dù vẫn "căng thẳng", nhưng số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện đã dần ở mức ổn định trong tuần qua. Bên cạnh đó, Hạm đội Baltic của hải quân Nga cho biết đã chuyển giao 5 tấn oxy hóa lỏng để giúp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
EU ‘bật đèn xanh’ cho thuốc Molnupiravir
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) hôm 8-11 cho biết sẽ đưa ra các khuyến nghị trên toàn khu vực đối với thuốc trị COVID-19 do Merck và Ridgeback Biotherapeutics đồng phát triển, được biết đến với tên gọi Molnupiravir, trong khung thời gian "ngắn nhất có thể".
EMA cũng cho biết đang xem xét các dữ liệu có sẵn, đồng thời tìm cách hỗ trợ nguồn cung cho các quốc gia thành viên trước khi có thể phê duyệt loại thuốc này.
Trước đó, một quan chức giấu tên từ Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ với Reuters rằng, EU đang đàm phán với cả Merck và Pfizer về các hợp đồng cung cấp liệu pháp điều trị COVID-19 của hai hãng.
Tuy nhiên, các cuộc nói chuyện với Merck có vẻ tiến triển hơn vì hãng này đã gửi dữ liệu từ trước đến EMA. Trong khi đó, Pfizer vẫn chưa gửi bất kỳ dữ liệu nào, vì kết quả sơ bộ của các thử nghiệm trên thuốc trị COVID-19 của hãng mới chỉ được công bố vào tuần trước.
Đến nay, chỉ có Anh là nước châu Âu đầu tiên phê chuẩn việc sử dụng các liệu pháp điều trị COVID-19 bằng thuốc uống của cả hai hãng. Nước này đã mua trước 480.000 liệu pháp điều trị của Merck và 250.000 liệu pháp của Pfizer.
Anh phê chuẩn vắc xin COVID-19 của Trung Quốc và Ấn Độ
Chính phủ Anh hôm 8-11 cho biết sẽ phê chuẩn các loại vắc xin COVID-19 có trong danh sách sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới vào cuối tháng này, trong đó có việc bổ sung vắc xin của Sinovac và Sinopharm (Trung Quốc) cùng Covaxin (Ấn Độ) vào danh sách được phê duyệt sử dụng cho khách du lịch trong nước.
Theo Reuters, những thay đổi trên, có hiệu lực từ ngày 22-11 tới, sẽ mang lại lợi ích cho những người được tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 từ các quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Malaysia và Ấn Độ khi nhập cảnh vào Anh.
Cùng ngày, Bộ Giao thông Vận tải Anh cũng cho biết các quy định về đi lại đang được đơn giản hóa. Tất cả những đối tượng dưới 18 tuổi đi qua biên giới sẽ được xem như đã được tiêm chủng đầy đủ, và có thể nhập cảnh vào nước này mà không phải tự cách ly.
Trung Quốc xét nghiệm toàn bộ người bên trong tòa nhà lớn nhất thế giới
Thành phố Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) hôm 8-11 đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với toàn bộ người bên trong khuôn viên của Trung tâm Toàn cầu Thế kỷ Mới, do nghi ngờ một ca nhiễm virus corona đã từng đến đây.
Theo thông báo từ chính quyền Thành Đô, chỉ những ai đã được xét nghiệm mới được phép rời khỏi trung tâm thương mại này. Kể cả khi đã về nhà, họ vẫn được yêu cầu không được ra ngoài cho đến khi nhận được kết quả chính thức.
Không rõ ở thời điểm tiến hành xét nghiệm, có bao nhiêu người còn ở lại bên trong Trung tâm Toàn cầu Thế kỷ Mới, nơi được xem là tòa nhà lớn nhất thế giới với diện tích sàn rộng gấp 4 lần diện tích Vatican.
Đây là lần thứ hai Trung Quốc tiến hành xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng ở một địa điểm lớn. Trước đó không lâu, khu giải trí Disneyland Thượng Hải đã bị đóng cửa trong 2 ngày, với hơn 30.000 du khách bên trong phải tiến hành xét nghiệm bắt buộc.
Các tin tức đáng chú ý khác
- Theo Viện Robert Koch, tỷ lệ nhiễm COVID-19 tính trên 100.000 người tại Đức trong 7 ngày qua đã tăng lên 201,1. Đây là con số cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.
- Bộ Y tế Singapore hôm 8-11 thông báo, kể từ ngày 8-12 trở đi, toàn bộ bệnh nhân COVID-19 nếu không tiêm vắc xin một cách “tự nguyện” sẽ phải trả toàn bộ tiền viện phí trong trường hợp bị đưa vào các cơ sở điều trị COVID-19.
- Chính phủ Indonesia hôm 8-11 quyết định tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng từ cấp độ 1 đến 4 ở các khu vực bên ngoài 2 đảo Java và Bali thêm hai tuần, từ 9 đến 22-11.
- Kênh truyền hình TV2 của Đan Mạch, trích dẫn một số nguồn tin, cho biết chính phủ nước này có ý định khôi phục việc sử dụng "hộ chiếu corona", dùng để xác minh một người đã tiêm phòng hoặc âm tính với COVID-19 hay không. Quyết định này được đưa ra sau khi số ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày ở quốc gia này đã tăng vọt lên hơn 2.000 trong những ngày gần đây, so với chỉ hơn 200 ở thời điểm giữa tháng 9.
- Giới chức Nhật Bản hôm 7-11 cho biết lần đầu tiên sau khoảng 15 tháng, nước này không ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào trong ngày do COVID-19.
Theo VIỆT ANH (Vietnamnet)