Người dân Ukraine sơ tán khỏi thành phố Mariupol ngày 24/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo đài RT, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một thông báo vào đêm muộn 16/4: “Xét đến tình hình thảm khốc tại nhà máy luyện kim Azovstal và dựa theo nguyên tắc hoàn toàn nhân đạo, Lực lượng Vũ trang Nga đề nghị các chiến binh thuộc các tiểu đoàn chủ nghĩa dân tộc và lính đánh thuê nước ngoài ngừng hoạt động thù địch và hạ vũ khí bắt đầu từ 6h sáng theo giờ Moskva vào ngày 17/4/2022”.
Trước đó, ngày 16/4, Nga đã tiết lộ ước tính về con số thương vong của Ukraine, tuyên bố rằng chỉ riêng tại thành phố Mariupol, Ukraine đã mất hơn 4.000 chiến binh, trong đó có cả lính đánh thuê nước ngoài.
Trong đề xuất ngừng bắn vào đêm 16/4, các quan chức quân sự Nga nói rằng những binh sĩ kháng cự còn lại đang ở trong tình trạng vô vọng, hầu như không có thức ăn và nước uống. Theo phía Nga, các binh lính Ukraine liên tục yêu cầu các quan chức ở Kiev cho phép hạ vũ khí và đầu hàng, nhưng chính quyền Ukraine nghiêm cấm hành động này.
Do đó, Nga đã đề nghị binh lính Ukraine thiết lập một đường dây liên lạc trực tiếp vào lúc 5 giờ sáng và ra dấu thời điểm bắt đầu ngừng bắn thực sự vào lúc 6 giờ sáng bằng cách giương cao các lá cờ xung quanh Azovstal - màu đỏ cho phía Nga và màu trắng cho phía Ukraine. Các đơn vị Ukraine sau đó sẽ có thời gian tới 1 giờ chiều để rút khỏi thành trì mà không mang theo vũ khí, đạn dược.
Đề xuất ngừng bắn của Nga và các điều khoản đầu hàng sẽ được phát liên tục suốt đêm tới các đơn vị của Ukraine tại Azovstal trên tất cả các kênh phát thanh cứ khoảng 30 phút một lần.
Đầu tuần này, trên 1.000 quân nhân thuộc Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine đã hạ vũ khí tại nhà máy sắt thép Illich, một nhà máy kim loại khổng lồ mà họ đang sử dụng làm thành trì chống lại lực lượng của Nga. Tuy nhiên, báo cáo đã bị các quan chức Ukraine phản đối.
Mariupol đã xảy ra một số cuộc giao tranh dữ dội nhất kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2. Chiến dịch diễn ra sau khi Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2014. Nga đã công nhận độc lập của các nước cộng hòa Donbass là Donetsk và Lugansk.
Tòa nhà dân cư bị phá hủy trong cuộc xung đột Ukraine-Nga ở thành phố cảng phía nam Mariupol, Ukraine ngày 14/4/2022. Ảnh: REUTERS
Kể từ đó, Nga đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố rằng họ đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa trên bằng vũ lực.
Trong khi đó, theo hãng tin TASS, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk thông báo 9 hành lang nhân đạo đã được nhất trí mở cho dân thường rời khỏi nhiều khu vực tại nước này, trong đó có hành lang dành cho những người đi sơ tán bằng ô tô cá nhân từ thành phố cảng Mariupol. 5 trong số các hành lang sơ tán là từ khu vực Luhansk thuộc miền Đông Ukraine.
Kể từ ngày 2/3, LB Nga đã chuyển hơn 11.951 tấn hàng nhân đạo tới nhiều địa phương ở Ukraine và thực hiện 834 hoạt động nhân đạo.
Trước đó, Ukraine đã trao đổi một số binh sĩ bị bắt giữ với Nga tại tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine. Bộ Quốc phòng Ukrfaine nêu rõ: "Sau các cuộc đàm phán căng thẳng, chúng tôi đã đạt thỏa thuận về trao đổi tù binh gần làng Posad-Pokrovskoye, theo đó 4 binh sĩ Nga đổi lấy 5 binh sĩ Ukraine".
Theo THUỲ DƯƠNG (Báo Tin Tức)