Làm thế nào để miền Bắc Syria trở nên an toàn, không còn bóng dáng quân khủng bố chống chính quyền Syria cũng như là không trở bàn đạp chống Thổ đang là bài toán đặt ra đối với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ
Trước khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Nga Putin tại Moscow thì nhóm chiến binh của tổ chức khủng bố Nusra với tổng số lên đến 400 tay súng đã đồng loạt tổng tấn công lực lượng chính phủ Syria ở Idlib. Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo, tình hình tại Idlib đang xấu đi nhanh chóng và nằm dưới sự kiểm soát gần như hoàn toàn của phiến quân cực đoan Nusra.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh:AFP
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, điều quan trọng là việc Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ không để lại khoảng trống cho các nhóm cực đoan tự do hoành hành. Còn theo Tổng thống Putin, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cần tiếp tục chống các nhóm khủng bố tại Idlib.
“Chúng tôi đã thảo luận về những tác động đối với Syria khi Mỹ rút quân khỏi đông bắc Syria. Nếu kế hoạch đó trở thành hiện thực, đó sẽ là bước đi tích cực. Trong bối cảnh đó, chúng tôi ủng hộ việc thiết lập đối thoại giữa chính quyền Syria và đại diện người Kurd. Cuộc đối thoại kiểu đó chắc chắn giúp ích trong việc gắn kết xã hội Syria và sự hòa giải dân tộc. Đó không chỉ mang lại lợi ích cho Syria mà cho cả các nước láng giềng”, Tổng thống Putin nói.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cho biết: “Điều rất quan trọng là phải ngăn khoảng trống quyền lực sau sự rút quân của Mỹ. Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là quét sạch bóng dáng các nhóm khủng bố ra khỏi Syria. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng nhau chống lại các nhóm khủng bố ở Idlib như đã nhất trí, bởi đây không phải cuộc chiến chóng vánh mà kéo dài. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo hòa bình, ổn định cho người dân Syria, không để quân khủng bố có cơ hội”.
2 nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định không có bất kỳ bất đồng nào trong kế hoạch thiết lập vùng an toàn ở miền Bắc Syria nhằm tách các vùng lãnh thổ do lực lượng dân quân người Cuốc YPG kiểm soát khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Vùng an toàn, theo kế hoạch sẽ sâu 32 km, dài 460km dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, có mục tiêu chính là vùng đệm ngăn các tổ chức khủng bố ra xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không cho phép vùng an toàn bị biến thành căn cứ mới của phiến quân đảng Công nhân người Kurd (PKK) chống Thổ Nhĩ Kỳ giống như ở miền Bắc Iraq. Lực lượng dân quân người Kurd YPG là đồng minh của Mỹ trong cuộcc chiến chống IS nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là chi nhánh của PKK. Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ cộng tác với bất kỳ bên nào sẵn sàng hỗ trợ hậu cần cho việc thiết lập vùng an toàn nhưng sẽ có hành động nếu các cam kết không được giữ vững.
Trái lại, lo ngại trước việc Mỹ quyết định rút quân khỏi Syria, các nhà lãnh đạo người Kurd ở đây đang hối thúc chính quyền Syria và Nga cử lực lượng bảo vệ biên giới trước nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly ngày 23/1 lên tiếng đồng tình với Mỹ rằng cần bảo vệ các đồng minh người Kurd trong cuộc chiến chống IS, ngay cả khi Mỹ quyết định rút quân khỏi Syria. Trước bài toán an ninh ở miền bắc Irắc, Tổng thống Nga Putin cho biết ông nhất trí tiến hành sớm hội nghị thượng đỉnh 3 bên Nga-Thổ-Iran./.
Theo TRẦN NGA (VOV)