Nga và Ukraine đang mắc kẹt trong cuộc chiến tiêu hao kinh tế khốc liệt

10/07/2025 - 18:15

Không chỉ chiến trường khốc liệt, Nga và Ukraine còn đang rơi vào một cuộc chiến kinh tế căng thẳng không kém. Lạm phát, thâm hụt ngân sách, cắt giảm chi tiêu công và cạn kiệt nguồn lực đang kéo hai nền kinh tế đến giới hạn.

Chú thích ảnh

 Khói lửa bốc lên từ một vụ nổ ở thủ đô Kiev, Ukraine ngày 24/2/2022. Ảnh: Ukrainian President’s Office/TTXVN

Bình luận trên trang web của Hội đồng Đại Tây Dương (atlanticcouncil.org) ngày 9/7, nhà kinh tế học Anders Åslund (từng là thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương) cho rằng, bên cạnh những trận đánh khốc liệt trên chiến trường, Nga và Ukraine đang vướng vào một cuộc cạnh tranh kinh tế không kém phần quyết liệt. Cuộc chiến kinh tế này có thể đóng vai trò quyết định trong việc định hình kết quả của cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

Theo ông Åslund, trái với dự đoán của nhiều người, nền kinh tế Ukraine đang thể hiện sức chống chịu đáng kinh ngạc. Mặc dù cuộc tấn công dữ dội của Nga năm 2022 đã làm giảm 29% GDP, Ukraine đã có sự phục hồi ấn tượng với mức tăng trưởng 5,5% vào năm 2023, tiếp tục tăng thêm 3% trong năm ngoái.

Điều đáng chú ý là các thể chế nhà nước của Ukraine đã thể hiện sự bền bỉ vượt xa mọi dự đoán. Bộ tài chính, Ngân hàng Quốc gia Ukraine và dịch vụ tài chính nhà nước đã duy trì hoạt động có thể nói là hiệu quả, giúp doanh thu nhà nước vẫn tăng sau năm 2022.

Du khách đến Ukraine vẫn có thể rút tiền từ máy ATM hay thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế. Các cửa hàng luôn đầy hàng hóa, nhà hàng vẫn đông đúc - một cảnh tượng khác biệt hoàn toàn so với các quốc gia thường phải đối mặt với kiểm soát giá cả và phân phối theo khẩu phần khi xung đột nổ ra.
Ukraine cũng đạt được tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống tham nhũng. Từ vị trí 142/180 quốc gia trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2014, Ukraine đã vươn lên vị trí 105 trong bảng xếp hạng gần đây nhất. 

Ba trụ cột kinh tế thời chiến

Nhà kinh tế Åslund cho rằng hiện có 3 yếu tố quan trọng quyết định triển vọng kinh tế của Ukraine. Thứ nhất, Ukraine cần khoảng 42 tỷ USD mỗi năm từ nguồn tài trợ ngân sách bên ngoài để tài trợ thâm hụt ngân sách. Việc không nhận được đủ tài trợ năm 2022 đã đẩy lạm phát lên 27%, nhưng tài trợ đầy đủ trong năm 2023-2024 đã giúp giảm lạm phát xuống còn 5%.

Thứ hai, thương mại hàng hải qua các cảng Biển Đen đóng vai trò sống còn. Kể từ tháng 9/2023, việc vận chuyển hàng hóa từ Odessa và các cảng lân cận gần như không bị cản trở sau khi Ukraine đẩy lùi được phần lớn Hạm đội Biển Đen của Nga. Điều này quan trọng đối với việc xuất khẩu nông sản, thép và quặng sắt - những mặt hàng chỉ có lợi nhuận khi vận tải biển giá rẻ.

Thứ ba, nguồn cung cấp điện ổn định là then chốt. Việc Nga ném bom vào cơ sở hạ tầng năng lượng đã gián đoạn đáng kể nguồn cung điện năm 2024, góp phần làm suy giảm hiệu suất kinh tế.

Nhưng những dấu hiệu kiệt quệ đối với nền kinh tế Ukraine đã bắt đầu xuất hiện. Bốn tháng đầu năm 2025, tăng trưởng chỉ đạt 1,1%, trong khi lạm phát tăng lên 15,9% vào tháng 5 năm nay. Nguyên nhân chính là thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Ngân hàng trung ương Ukraine có thể phải tăng lãi suất từ mức 15,5% hiện tại, điều này sẽ tiếp tục kìm hãm tăng trưởng.

Chú thích ảnh

Cảng hàng hóa Vladivostok, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Dấu hiệu với nền kinh tế Nga

Với Nga, theo Wall Street Journal, nền kinh tế bất chấp lệnh trừng phạt của Moskva, được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ cuộc chiến ở Ukraine. Sau một cuộc suy thoái ngắn vào năm 2022, chi tiêu quân sự - mức cao nhất kể từ thời Liên Xô, ở mức hơn 6% GDP trong năm nay - đã hỗ trợ nền kinh tế Nga và làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Chi tiêu cho quân sự và an ninh chiếm khoảng 40% tổng chi tiêu chính phủ của Nga trong năm nay. Khả năng chuyển hướng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc của Nga, cùng với sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc cung cấp thiết bị điện tử và máy móc, đã mang lại thêm động lực tăng trưởng kinh tế. 

Được thúc đẩy bởi chi tiêu quân sự lớn và xuất khẩu dầu ổn định, Nga đã ghi nhận một số tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trong hai năm qua. Nhưng trong những tuần gần đây, các chỉ số kinh tế đã cho thấy những dấu hiệu báo động: Hoạt động sản xuất đang suy giảm, người tiêu dùng đang thắt lưng buộc bụng, lạm phát vẫn ở mức cao và ngân sách đang căng thẳng.

Các quan chức Nga hiện đang công khai cảnh báo về nguy cơ suy thoái, và các công ty từ nhà sản xuất máy kéo đến nhà sản xuất đồ nội thất đang giảm sản lượng. Ngân hàng trung ương Nga cho biết vào tuần trước rằng họ sẽ cân nhắc việc cắt giảm lãi suất chuẩn vào cuối tháng này sau khi đã hạ lãi suất vào tháng 6 vừa qua. Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov đã cảnh báo vào tháng trước rằng Nga đang đứng trên "bờ vực suy thoái".

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ những ý kiến ​​cho rằng cuộc chiến đang kìm hãm nền kinh tế. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo rằng suy thoái hoặc đình lạm "không nên được phép xảy ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào".

Sau hai năm tăng trưởng khoảng 4% vào năm 2023-2024, kinh tế Nga dự kiến tăng trưởng chỉ 1,5% năm nay với lạm phát chính thức 10%. Ngân hàng Trung ương Nga đã duy trì lãi suất 21% kể từ tháng 10/2024.

Trong quý đầu tiên, GDP của Nga tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu chính thức, giảm so với mức 4,5% trong quý IV năm 2024. Theo chỉ số quản lý mua hàng của S&P Global, lĩnh vực sản xuất của Nga đã suy giảm mạnh nhất trong hơn ba năm vào tháng 6 năm nay. Theo Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, doanh số bán ô tô mới tại Nga đã giảm gần 30% vào tháng 6 so với cùng kỳ năm trước.

Chi tiêu liên bang của Nga năm 2024 đạt 20% GDP, trong đó 41% dành cho quân sự và an ninh. Điện Kremlin đã bù đắp thâm hụt ngân sách khoảng 2% GDP bằng quỹ phúc lợi quốc gia, dự kiến cạn kiệt vào cuối năm nay. Do đó, Nga có thể buộc phải cắt giảm 1/10 chi tiêu công.

Giá dầu - vốn nhìn chung đã giảm trong năm nay bất chấp tình hình bất ổn ở Trung Đông - lại đặt ra một thách thức khác cho Nga, quốc gia phụ thuộc vào doanh thu từ năng lượng, chiếm khoảng một phần ba ngân sách. Giá dầu thô của Nga liên tục thấp hơn mức dự kiến ​​trong ngân sách năm nay. Doanh thu từ dầu khí của Nga trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2023, theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nga công bố hôm 3/7. 

“Giá dầu giảm và việc thắt chặt lệnh trừng phạt từ phương Tây sẽ được cảm nhận rõ nét hơn trong tình hình hiện tại. Rủi ro là rất cao”, Alexandra Prokopenko, cựu quan chức ngân hàng trung ương Nga, hiện là thành viên của Trung tâm Carnegie Russia Eurasia tại Berlin, nhận định. 

Tóm lại, Nga và Ukraine đang mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh kinh tế tiêu hao không kém phần khốc liệt so với chiến sự ngoài thực địa. Xét về mặt kinh tế, đây hiện là một cuộc chiến tiêu hao cân bằng: cả hai nền kinh tế đều chịu sức ép lớn từ chi tiêu quân sự, lạm phát, thiếu hụt lao động và nguy cơ suy thoái. Ukraine cho thấy sức chống chịu ấn tượng nhờ viện trợ quốc tế và cải cách nội bộ, nhưng tăng trưởng đang chậm lại. Trong khi đó, kinh tế Nga đối mặt với bất ổn tài khóa, giá dầu giảm và hiệu ứng dây chuyền từ lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Theo TTXVN