Ngẫm chuyện làm từ thiện

11/04/2025 - 06:00

 - Dù trong thời đại nào, việc làm từ thiện vẫn luôn được cộng đồng ủng hộ lan tỏa, không chỉ bởi còn nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, mà đó còn là nghĩa cử tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, có không ít người đã lợi dụng vào từ thiện để biến tướng, trục lợi, thay vì phát huy tinh thần đùm bọc lẫn nhau… khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm.

Nên cho đúng người, đúng chỗ

Trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình từ thiện có ý nghĩa thiết thực để san sẻ với người nghèo, góp phần chăm lo an sinh xã hội được cộng đồng hưởng ứng. Theo thời gian, nhiều mô hình tiếp tục duy trì, nhân rộng; cũng có những mô hình đã không còn phù hợp. Đơn cử như "Cửa hàng 0 đồng” được nhiều tổ chức hội thành lập, từ áo dài, đến quần áo đủ loại, nhu yếu phẩm, rau củ, đồ dùng gia dụng theo tinh thần ai có gì cho nấy, ai thừa thì cho, ai thiếu thì nhận. Các cửa hàng “mọc” lên ở rất nhiều địa phương, có nơi phát triển đến hàng chục "Cửa hàng 0 đồng”, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên đến nay, một số cửa hàng đã không còn hoạt động, thiếu người trông coi, xảy ra tình trạng người cho và người nhận không đúng đối tượng.

Chị Thanh Huệ (TP. Long Xuyên) đem gửi tặng bao quần áo kèm giày dép cho một "Cửa hàng 0 đồng” trong thị trấn Tri Tôn. Đến nơi thì cửa hàng này không còn. Một quán giải khát gần đó ngỏ lời xin nhận để phân phát cho những người đang cần trong phum, sóc, vì họ nắm rõ hoàn cảnh ai thật sự khó khăn, ai đang cần. Trong khi tại "Cửa hàng 0 đồng” trước đó, các món đồ gửi cho và nhận trên tinh thần tự nguyện, sau thời gian đã phát sinh những người không thật sự cần vẫn đến lấy, còn người đang cần thì chưa đến lượt đã hết đồ. “Dù sao cũng là quần áo cũ đem cho, nghe nói vậy chúng tôi cũng vui vẻ gửi tặng. Song, không khỏi trăn trở về những nơi đang hoạt động tương tự. Tôi từng chứng kiến những quầy hàng, cửa hàng từ thiện nhằm giúp đỡ người nghèo, thực tế vẫn có những người điều kiện đầy đủ đến lấy như thường” - chị Huệ chia sẻ.

Bà T.T.N., đại diện nhóm từ thiện hưu trí hoạt động ở TP. Long Xuyên, thở dài khi nhắc đến những đợt kêu gọi quyên góp quần áo hỗ trợ người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất. Câu chuyện muôn thuở là một số người dường như mượn chỗ bỏ đồ hơn là đem cho, vì ngoài trang phục không phù hợp, có cả những bộ đồ cũ rách tả tơi, đồ lót, giày hư hỏng lên mốc… Vào những dịp lễ, Tết, hay thậm chí duy trì hàng tháng vào dịp ngày rằm, có thể thấy những gian hàng, như: Cơm “0 đồng”, cơm 2.000 đồng, áo dài “0 đồng”, quần áo “0 đồng”, rau củ “0 đồng” luôn đông nghẹt “khách” đến lựa chọn. Mô hình này rất cần thiết để những người còn gặp khó khăn sẽ được vơi bớt phần nào gánh nặng cơm áo mưu sinh. Mong rằng trong từng nghĩa cử nhỏ, người cho cũng nên đặt cái tâm vào đó để món quà và hành động của mình trọn vẹn ý nghĩa.

Từ thiện trên mạng xã hội

Không thể phủ nhận sức mạnh của mạng xã hội trong thời đại ngày nay, nhất là khi được sử dụng bởi những người nổi tiếng. Rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo… nhờ một bài đăng bởi nhóm uy tín, cá nhân được nhiều người quan tâm có thể được lan truyền trong tích tắc, nhận về số tiền rất lớn. Cũng vì dễ dàng, nhanh chóng, sức lan tỏa mạnh, nhiều vụ việc sau thời gian chung tay ủng hộ, cộng đồng mạng lại chuyển sang bức xúc vì nhận ra số tiền mình đóng góp đã bị sử dụng không đúng mục đích. Lúc này, người ta không khỏi băn khoăn, có phải ngay cả lòng trắc ẩn cũng đang được đem ra trục lợi?

Trước đây, anh Nguyễn Văn Tập (TP. Long Xuyên) tham gia nhiều hội, nhóm trên Facebook để nắm thông tin về mua, bán nhà đất; bán hàng online, trồng cây xanh, học kỹ năng… Các nhóm có quy định chặt chẽ chỉ đăng tin theo nội quy đặt ra, nhưng thỉnh thoảng vẫn có ngoại lệ ưu tiên đăng các bài kêu gọi giúp đỡ hoàn cảnh éo le, đặc biệt... Thường gặp là các bài viết liên quan trẻ sơ sinh bị bệnh hiểm nghèo, người bị tai nạn giao thông không tìm được thân nhân, người già hoặc trẻ em đi lạc, người bán vé số bị lừa… “Tôi nhận thấy có những hoàn cảnh được đăng đi đăng lại, thậm chí có trường hợp nhân vật đã mất từ nhiều năm nhưng vẫn bị lợi dụng hình ảnh để kêu gọi ủng hộ” - anh Tập cho biết.

Trên môi trường mạng, ngay cả khi là người thật - việc thật thì từ thiện cũng không dừng lại ở hành động trao tặng và giúp đỡ người khó khăn, mà đã trở thành công cụ để cá nhân đánh bóng hình ảnh, biến tướng những giá trị cốt lõi về lòng nhân đạo vốn có lâu nay. Một buổi trao quà diễn ra đâu đó có thể sẽ ấm lòng, đầy ắp niềm vui cho cả đôi bên nếu không mất quá nhiều thời gian để dàn cảnh chụp ảnh, quay phim, đòi hỏi người nhận phát biểu cảm nghĩ… trong khi giá trị hỗ trợ chẳng là bao. Ranh giới giữa lòng nhân ái thật sự với “phông bạt”, lợi dụng có thể rất mong manh. Anh Nguyễn Huy Danh (giáo viên trường tiểu học ở huyện Châu Phú) cho rằng, làm từ thiện cần đúng cách, đúng người, đúng chỗ. Muốn giúp đỡ ai đó, tốt nhất nên ủng hộ qua UBMTTQVN, Hội Chữ thập đỏ và các tờ báo uy tín, ghi địa chỉ rõ ràng.

Nỗi niềm người trong cuộc

Những sự việc không hay xảy ra xung quanh chuyện làm từ thiện giữa "người cho" và "người nhận" không chỉ tạo dư luận, mà còn ảnh hưởng đến những người đang làm công tác nhân đạo đúng nghĩa. Bà Kim Linh đã gắn bó hơn 10 năm với hoạt động từ thiện ở huyện Phú Tân bày tỏ, đa số thành viên gắn bó với các việc thiện nguyện đều là người cao tuổi, hưu trí, xem việc đóng góp cho xã hội là niềm vui. Đó cũng là trở ngại khi họ trực tiếp đi xác minh hoàn cảnh, tiếp nhận nguồn ủng hộ, đến tận nơi trao gửi tiền hoặc quà hỗ trợ cho người gặp khó khăn.

“Chúng tôi sẽ ưu tiên các trường hợp cấp thiết nhất, như bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bệnh nan y cần cứu chữa gấp… Có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng theo trình tự chúng tôi vẫn phải xác minh với địa phương, nắm đúng thông tin mới kêu gọi hỗ trợ. Một số trường hợp chờ lâu, họ cho rằng chúng tôi thiên vị, ưu ái người này, bỏ lại người kia hoặc hoàn cảnh này tiền nhiều, hoàn cảnh kia ít tiền… Trong khi tất cả nguồn đóng góp, trao gửi chúng tôi đều công khai thông tin, chi tiết số tiền... Đó là chưa kể trước một số vụ việc trên mạng, đôi khi người làm từ thiện bị đánh đồng, hiểu lầm không đáng có” - bà Linh trải lòng.

Lòng hướng thiện trong mỗi con người là một phẩm chất tốt đẹp. Nhưng mong muốn giúp đỡ hết người nghèo khó trong xã hội là điều không thể, bởi một vài hoàn cảnh chúng ta thấy và nghe chỉ là số ít trong vô số hoàn cảnh cần giúp đỡ ngoài thực tế. Cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi hỗ trợ những trường hợp khó khăn cần làm đúng theo quy định trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối sử dụng các nguồn đóng góp. Người dân cần nâng cao cảnh giác, kiểm chứng kỹ lưỡng thông tin trước khi quyết định đóng góp từ thiện, tránh bị các đối tượng xấu, tội phạm lừa đảo. Làm từ thiện không phải là hành động mang tính phong trào, mà cần cân nhắc kỹ lưỡng để mỗi đồng tiền, mỗi món quà đến tay người cần giúp đỡ một cách ý nghĩa nhất.

HOÀI ANH