Ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại dịp cuối năm

22/12/2022 - 08:08

Sau khi Việt Nam cơ bản kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa đã trở lại bình thường thì tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trên các tuyến biên giới, vùng biển và tại thị trường nội địa với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn.

Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội thu giữ số lượng lớn hàng hóa không hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc. (Ảnh QUYÊN LƯU)

Mặc dù vậy, các chế tài xử phạt vẫn còn mang tính hình thức, chưa nghiêm khắc, thiếu tính răn đe, dẫn đến hiệu quả trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả chưa đạt như mong muốn.

“Điêu đứng” vì hàng giả

Là nạn nhân của nạn hàng giả, hàng nhái nhiều năm qua, ông Dương Đức Duy, Trưởng Ban quản lý dự án Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông bức xúc cho biết, Rạng Đông đã nhiều phen “điêu đứng” vì sản phẩm bị làm giả, nhái. Hiện những chiếc đèn LED giả, nhái sản phẩm của Rạng Đông vẫn đang trôi nổi trên thị trường, thậm chí chúng còn được chào bán, đưa vào nhiều hệ thống phân phối với mức giá hấp dẫn kèm chiết khấu cao.

Rạng Đông đã nhiều phen “điêu đứng” vì sản phẩm bị làm giả, nhái. Hiện những chiếc đèn LED giả, nhái sản phẩm của Rạng Đông vẫn đang trôi nổi trên thị trường, thậm chí chúng còn được chào bán, đưa vào nhiều hệ thống phân phối với mức giá hấp dẫn kèm chiết khấu cao.

Ông Dương Đức Duy, Trưởng Ban quản lý dự án Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Cá biệt hơn, hòng trục lợi, có tổ chức còn tự mở đại lý, lập xưởng sản xuất sản phẩm có bao bì, hình thức, tên thương mại giống hệt Rạng Đông. Điều này khiến doanh thu của công ty sụt giảm nghiêm trọng, làm cho người tiêu dùng bị thiệt hại. Cũng là nạn nhân của gian lận thương mại, Phó phòng bán hàng Công ty cổ phần Pin ắc-quy Miền Nam Hoàng Hữu Lộc cho hay, bằng những thủ đoạn tinh vi, một số tổ chức, doanh nghiệp đã “hô biến” sản phẩm ắc-quy nhập lậu có giá xuất hóa đơn VAT chỉ bằng 66% so với giá công bố đến khách hàng.

Theo tính toán, một bình ắc-quy công suất 120Ah giá công bố 2,84 triệu đồng, giá xuất hóa đơn VAT là 1,868 triệu đồng, chênh lệch 972 nghìn đồng, nếu nhân 8% thuế VAT thì Nhà nước thất thoát hơn 77 nghìn đồng/đơn vị sản phẩm. Mỗi năm, các công ty ắc-quy chi khoảng sáu triệu USD, tương đương 144 tỷ đồng để nhập khẩu khoảng 140 nghìn bình ắc-quy từ Hàn Quốc. Với thủ đoạn nêu trên, Nhà nước sẽ mất gần 11 tỷ đồng tiền thuế VAT, chưa kể thuế nhập khẩu. Hiện tượng trốn thuế này đang gây thất thu ngân sách, làm nhiễu loạn thị trường, dẫn đến mất bình đẳng trong cạnh tranh giá bán.

Theo báo cáo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), trong 11 tháng qua, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện hơn 100 nghìn vụ việc vi phạm; trong đó có hơn 12 nghìn vụ buôn lậu; khoảng 83 nghìn vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; hơn 1.800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Đến nay đã khởi tố 380 vụ, 472 đối tượng (giảm lần lượt 76,5% và 78% so cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 7.666 tỷ đồng (tăng 1,5% so cùng kỳ). Trong đó, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước phát hiện, xử lý khoảng 13.500 vụ vi phạm, trong đó, 2.358 vụ buôn lậu, 10.369 vụ gian lận thương mại, 785 vụ hàng giả; xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước gần 100 tỷ đồng.

Riêng đối với ngành Hải quan, bên cạnh việc tạo thuận lợi thương mại, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng liên tục được tăng cường nhằm tạo môi trường minh bạch và chống thất thu ngân sách nhà nước. Kết quả, từ đầu năm đến nay, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã bắt giữ và xử lý 14.700 vụ vi phạm, tổng giá trị tang vật hơn 5.100 tỷ đồng; xử phạt, nộp ngân sách nhà nước hơn 334 tỷ đồng; khởi tố 36 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 112 vụ.

Những kết quả này là minh chứng cho sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh lại cho rằng, tình trạng hàng hóa nhập lậu, hàng giả vẫn tiếp diễn, bày bán công khai ở nhiều nơi, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng; làm thất thu ngân sách nhà nước mỗi năm rất lớn, gây hoang mang, mất lòng tin với người tiêu dùng, ảnh hưởng không nhỏ đến nền sản xuất trong nước.

Nguyên nhân là do một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Một bộ phận công chức còn thiếu tinh thần trách nhiệm, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao; thậm chí có trường hợp bảo kê cho các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật chưa đồng bộ và hiệu quả...

Tăng cường đấu tranh, ngăn chặn

Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Văn Hoàn nhìn nhận, nạn buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng giả đang diễn ra rộng khắp các tuyến cửa khẩu đường bộ, đường biển, sân bay quốc tế.

Tại các địa bàn tỉnh biên giới, đối tượng lợi dụng đêm tối, địa hình hiểm trở, sử dụng xe ô-tô, xe máy, xuồng cao tốc hoặc mang vác, vận chuyển hàng lậu, trái phép vào thị trường nội địa để tiêu thụ. Trước khi vận chuyển, các đối tượng thường cắt cử người cảnh giới, theo dõi lực lượng chức năng, nếu bị truy đuổi, chúng sẵn sàng vứt bỏ lại phương tiện, tang vật để chạy trốn hoặc liều lĩnh chống trả quyết liệt. Các đối tượng chủ mưu, chủ hàng thường dùng địa chỉ ảo, sim số điện thoại “rác” nên cũng gây khó khăn trong công tác mở rộng phạm vi điều tra.

Một số đối tượng còn đặt sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập về trong nước tiêu thụ, nhất là trên mạng xã hội. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng lợi dụng chính sách ưu đãi và thông thoáng của Nhà nước, nhất là trong giai đoạn sau dịch Covid-19 để đưa hàng hóa phi pháp đi sâu, len lỏi vào nội địa với nhiều thủ đoạn mới. Điển hình là nhập hàng hóa giấu tên qua đường chuyển phát nhanh, đường hàng không; nhập nguyên liệu kinh doanh sản xuất và chuyển tiêu thụ nội địa.

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh đánh giá, việc kiểm tra xử lý mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Quan trọng nhất là làm sao để tuyên truyền cho mỗi người dân đều hiểu, cùng tham gia ngăn chặn bằng cách không mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ; để mỗi doanh nghiệp chủ động phối hợp cơ quan chức năng ngăn chặn hàng giả là cách bảo vệ thương hiệu hiệu quả nhất.

Việc kiểm tra xử lý mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Quan trọng nhất là làm sao để tuyên truyền cho mỗi người dân đều hiểu, cùng tham gia ngăn chặn bằng cách không mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ; để mỗi doanh nghiệp chủ động phối hợp cơ quan chức năng ngăn chặn hàng giả là cách bảo vệ thương hiệu hiệu quả nhất.

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh

Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới. Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ tăng nặng mức xử phạt, có tính răn đe mạnh hơn nữa để các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái phải chùn bước.

Từ nay đến sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại. Trong đó chú trọng việc lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có chiều hướng gia tăng mạnh trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Do đó, các lực lượng chức năng trên cả nước cần xây dựng các phương án, kế hoạch xác minh, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, nổi cộm; thường xuyên trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin với các ngành, lực lượng chức năng; đồng loạt ra quân xử lý kiên quyết, triệt để các hiện tượng vi phạm nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm minh, công khai các tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ký ban hành Kế hoạch 115/KH-BCĐ389 cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Xây dựng, triển khai các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, khu vực tập kết hàng hóa để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu vào nội địa. Kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán qua mạng... Tập trung vào hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa có thuế suất cao, hàng cấm, hàng giả, hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo THẢO CHI (Nhân Dân)