Ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”

06/07/2019 - 09:18

Trước những hệ lụy của “tín dụng đen”, Chính phủ và Bộ Công an đã đề ra nhiều chỉ thị, mở nhiều đợt cao điểm về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Từ đó, Công an các địa phương phối hợp với chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực trong đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn “tín dụng đen”; xử lý nhiều băng, ổ nhóm...

Song để có thể ngặn chặn và triệt phá triệt để đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò xung kích.

Những khó khăn trong công tác xử lý

Trong thời gian qua, Công an các đơn vị, địa phương đã khám phá được nhiều vụ án, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội cho vay lãi nặng trong quan hệ dân sự. Điển hình trong số đó là nhóm tội phạm hoạt động dưới vỏ bọc của Công ty Tài chính Nam Long. Liên quan đến vụ án trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị truy tố 11 bị can của Tập đoàn Tài chính này.

Theo tài liệu điều tra của Công an tỉnh Thanh Hóa, các con nợ thường phải vay với mức lãi suất từ 185% đến 205%/năm cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật cho phép từ 85% đến 105%. Tổng số tiền mà các đối tượng đã cho bị hại vay tính đến thời điểm kết luận điều tra vụ án là 16 tỷ 320 triệu đồng. Các đối tượng được hưởng lợi gần 5,2 tỷ đồng. Khi tìm hiểu về phương thức và thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mới thấy sự khốc liệt của “tín dụng đen”.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đấu tranh với đối tượng Nguyễn Đức Thành.

Các đối tượng sẵn sàng giam giữ, đánh đập các con nợ trong trường hợp chây ỳ hoặc chậm trả tiền... Cơ quan điều tra xác định 23/70 tài khoản ngân hàng của Công ty Nam Long cho 200 khách hàng vay tiền với lãi suất từ 15-30 %/ ngày, tương đương với 1043 %/ năm. Công ty này cũng có hình thức quản lý nhân viên dựa trên các quy định nội bộ hà khắc như phạt tiền mới mức từ 50 đến 100 triệu đồng nếu phá hợp đồng...

Đó chỉ là một trong những vụ án được lực lượng Công an phát hiện trong thời gian vừa qua. Hoạt động tín dụng đen thông qua danh nghĩa công ty tài chính trên thực tế là những quan hệ tín dụng phát sinh trái với quy định của pháp luật. Trong các trường hợp này, đối tượng đã lợi dụng vào sự thiểu hiểu biết của người bị hại, cũng như những sơ hở trong chính sách và thực tiễn quản lý Nhà nước về tài chính, tín dụng để uy hiếp, khống chế các con nợ.

Sự nguy hiểm ở chỗ, tội phạm “tín dụng đen” đã lan rộng từ thành thị đến nông thôn. Với những tiêu chí khá hấp dẫn như thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp...

Các đối tượng đã khiến không ít các con mồi sập bẫy. Khi đó, các đối tượng sẽ lập các hợp đồng ủy quyền để người dân ký vào các hợp đồng cho người bị hại. Khi ký vào các bản hợp đồng này, người dân không hề biết rằng họ đã ủy quyền cho các tổ chức “tín dụng đen” toàn quyền quyết định đến tài sản của họ. Khi có các giấy tờ này, các đối tượng đã sử dụng để vay vốn ngân hàng...

Trong trường hợp các tổ chức “tín dụng đen” này vỡ nợ, các ngân hàng sẽ tiến hành niêm phong tài sản. Khi đó, những chủ nhân thực sự của tài sản mới biết rõ tình cảnh thực sự của họ thi đã quá muộn.

Từ phân tích thủ đoạn như trên đã cho thấy việc điều tra, xử lý “tín dụng đen” hiện nay gặp không ít khó khăn bởi phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi của các đối tượng trong ổ nhóm; do những rào cản về mặt pháp lý... Bởi ngoài việc cho vay diễn ra một cách kín đáo, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội còn chuyển hóa việc vay nợ bằng hình thức tinh vi như mua bán, thế chấp tài sản có công chứng.

Đáng chú ý, một số đối tượng còn sử dụng phần mềm quản lý hoạt động cho vay (thường là phần mềm bát, họ) để thực hiện hành vi phạm tội. Khi cơ quan điều tra xử lý thì rất khó khăn trong việc thu thập chứng cứ do không có mật khẩu để mở. Không dừng lại ở đó, hoạt động “tín dụng đen” còn có một số diễn biến mới.

Đó là việc xuất hiện các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ do người nước ngoài làm chủ... Vì thế, đòi hỏi các đơn vị chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý, giám sát địa bàn.

Xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm

Trong thời gian tới, hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đây là một trong những nguyên nhân phát sinh của tội phạm và các loại tệ nạn xã hội. Vì thế, việc đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ.

Một trong số đó là việc tuyên truyền, giải thích về phương thức và thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn với lãi suất cao; hệ lụy của tín dụng đen như các vụ vỡ hụi, họ và vay tiền với lãi suất cao rơi vào cảnh nợ nần chồng chất...

Cùng với đó là các quy định của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tài chính; phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng “vỏ bọc” của các dịch vụ cầm đồ, cho vay tài chính để thực hiện hành vi phạm tội.

Trong đó, lực lượng Công an cần tham mưu, đề xuất với Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp đấu tranh với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Cùng phối hợp hướng dẫn người dân về chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn và huy động và sử dụng vốn an toàn... Từ đó giúp người dân không mắc vào các bẫy của tín dụng đen.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cũng cần phải được tiến hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cần có những giải pháp nhằm giúp  người có nhu cầu vay tiền có thể tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Việc đa dạng hóa các loại hình cho vay, có các khoản vay ưu đãi đối với từng đối tượng là một giải pháp giúp người dân có thể dễ dàng vay vốn...

Về phía lực lượng Công an, cần phải tăng cường quản lý các cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính không phép; kiểm tra và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Các đối tượng nghi vấn hoạt động “tín dụng đen” cần phải lập danh sách, quản lý.

Trong đó, tập trung vào các cơ sở “tín dụng đen” có biểu hiện phức tạp về ANTT như các cơ sở, cá nhân, có dấu hiệu hoạt động của các băng nhóm tội phạm; các đối tượng “tín dụng” trong sới bạc; các đối tượng cho vay trực tuyến, vay ngân hàng với lãi suất cao, các cơ sở có các đối tượng tỉnh ngoài đến hoạt động có các đối tượng hình sự, ma túy, côn đồ cộm cán...

Đối với loại tội phạm này, việc huy động người dân tham gia vào cuộc, đồng hành cùng lực lượng Công an đóng vai trò rất quan trọng.

Từ nguồn tin tố giác tội phạm của quần chúng, lực lượng Công an nhanh chóng xác minh, điều tra, củng cố chứng cứ, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan. Thực tiễn đã có nhiều ổ nhóm hoạt động đã bị triệt phá từ nguồn tin tố giác tội phạm của quần chúng. Trong số đó phải kể đường dây hoạt động “tín dụng đen” do Đào Xuân Lâm (SN 1975, trú tại xã An Nông, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) điều hành.

Trong thời gian dài, Lâm cùng vợ đã tổ chức cho vay lãi nặng với tính chất và phương thức hoạt động hết sức tinh vi và xảo quyệt. Hoạt động này đã được che đậy bằng những hình thức khác nhau. Song từ nguồn tin tố giác tội phạm của quần chúng, Công an tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng làm rõ hành vi của đối tượng gây án. Quá trình đấu tranh làm rõ các đối tượng đã cho hàng trăm bị hại vay tiền với lãi suất lên đến gần 270 % / năm.

Cùng với công tác đấu tranh, triệt phá của lực lượng Công an, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể cũng cần phải xây dựng các mô hình và câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, tổ dân phố tự quản...

Từ đó, chủ động phát hiện, ngăn chặn các đối tượng dán tờ rơi, quét sơn quảng cáo cho vay tài chính. Với sự vào cuộc đồng bộ của lực lượng Công an, chính quyền và người dân, tội phạm “tín dụng đen” sẽ được ngăn chặn đẩy lùi.

Theo XUÂN MAI (Công An Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích