Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, tay - chân - miệng vùng đầu nguồn

02/10/2023 - 06:02

 - Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay - chân - miệng (TCM) trên địa bàn huyện An Phú (tỉnh An Giang) giảm so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, đang vào năm học mới, cao điểm mùa mưa nên nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, trong đó vai trò nòng cốt là ngành y tế, tăng cường các biện pháp ngăn chặn, không để “dịch chồng dịch”.

Là địa bàn đầu nguồn, đang vào mùa mưa lũ, phần lớn người dân sống ở nông thôn, đang lúc tình hình SXH gia tăng nên diễn biến rất phức tạp. Đến ngày 29/9, huyện An Phú ghi nhận 271 ca mắc SXH, giảm hơn 4 lần so cùng kỳ 2022, không có ca tử vong; có 97 ổ dịch, giảm 267 ổ dịch (hơn 4 lần) so cùng kỳ. Số ca mắc SXH ở An Phú đứng thứ 7/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đối với bệnh TCM, huyện ghi nhận 204 ca, giảm 33 ca so cùng kỳ, có 1 ca tử vong tại xã Vĩnh Hậu; ghi nhận 37 ổ dịch...

ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Y tế huyện An Phú cho biết, huyện tập trung thực hiện tất cả các biện pháp, mô hình phòng, chống dịch bệnh, diệt lăng quăng; xử lý tất cả 97 ổ dịch SXH, 37 ổ dịch TCM; tổ chức 7 đợt chiến dịch diệt lăng quăng trong toàn huyện. Vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi 97 ổ dịch nhỏ; phun diện rộng ấp An Khánh (xã Khánh An)…

Đảm bảo vệ sinh, khử khuẩn trong trường học, nhất là trường bán trú

Huyện triển khai mô hình nhà đảng viên, cán bộ, viên chức, giáo viên, học sinh đăng ký “hộ gia đình không có lăng quăng”; chủ động giám sát mật độ lăng quăng ở các vùng có nguy cơ cao, “điểm nóng” như nơi tập trung đông dân cư, ổ dịch cũ… Giám sát lăng quăng 30 hộ/ấp/tháng, hàng tuần tư vấn 100 hộ gia đình luân phiên ở các ấp tự vệ sinh môi trường. Học sinh tham gia tự thu gom vật dụng chứa nước quanh nhà.

Ngành y tế huyện An Phú cập nhật phác đồ điều trị SXH, TCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế; triển khai, hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh TCM cho các cơ sở y tế. Đồng thời, tăng cường truyền thông phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Trung tâm Y tế huyện đã thành lập đội cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng khi có bệnh, dịch xảy ra.

Đoàn công tác tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước dẫn đầu vừa khảo sát công tác phòng, chống dịch tại Trường Mầm non An Phú, Trạm Y tế xã Phước Hưng. Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương cho biết, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt các trường, nhất là ngành y tế phối hợp ngành giáo dục và đào tạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch SXH, TCM, đau mắt đỏ; lưu ý các trường thường xuyên vệ sinh trường lớp, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo thường xuyên khử khuẩn, vệ sinh, tạo cảnh quan thoáng mát, sạch sẽ...

Lo lắng nguy cơ “dịch chồng dịch” khi đang vào năm học mới, nhất là chủng SXH và TCM năm nay sốc nặng khá nhanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Vân Điền Phương yêu cầu tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức của từng người, từng nhà; triển khai mạnh ở các trường để lan tỏa trong học sinh và phụ huynh về các triệu chứng bệnh, biện pháp phòng ngừa, xử trí khi mắc bệnh… Tập trung xử lý trọng điểm các ổ dịch, diệt lăng quăng, triển khai chiến dịch “bàn tay sạch” trong trường học (rửa tay bằng xà bông, nước sạch…).

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Quốc Khanh cho biết, ngành triển khai kịp thời các hướng dẫn, biện pháp phòng, chống dịch và đẩy mạnh y tế học đường. Nâng cao nhận thức đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường; tuyên truyền học sinh, nhất là giữ mối liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh để kịp thời hướng dẫn, khuyến cáo phòng, chống dịch. Lưu ý các trường mầm non thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn (đồ chơi trẻ em, chăn, ga, gối, nệm…); trẻ ở bán trú phải ăn, uống, sử dụng khăn riêng biệt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho rằng, tình hình SXH và TCM ở huyện An Phú giảm so cùng kỳ, nhưng diễn biến phức tạp; trong khi An Giang là tỉnh thuộc nhóm cao trong các địa phương có dịch. Đề nghị các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan; sẵn sàng ứng phó không để dịch bùng phát, gây tử vong, không để “dịch chồng dịch”. Thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch SXH, TCM, đau mắt đỏ... Sở Y tế tăng cường phối hợp công tác truyền thông; sẵn sàng phương án ứng phó các tình huống xảy ra; xử lý triệt để các ổ dịch, không để lan rộng và giúp cơ sở y tế trong việc chẩn đoán, điều trị, phân luồng, chuyển tuyến...

Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường truyền thông, khuyến cáo học sinh và phụ huynh phối hợp thực hiện phòng, chống dịch; phối hợp ngành y tế triển khai công tác phòng, chống dịch trong trường học, nhất là trường tư thục, bán trú... Giám sát, chỉ đạo các trường đảm bảo khử khuẩn (đồ dùng dạy học, đồ chơi của trẻ...), vệ sinh môi trường.

Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền cho biết, hiện mỗi ngày An Giang ghi nhận khoảng 200 - 300 ca đau mắt đỏ, đến ngày 29/9, ghi nhận hơn 11.000 ca, trong đó học sinh 10.000 cá; nguy cơ dịch đau mắt đỏ lan ra cộng đồng. Sở Y tế tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch.

HỮU HUYNH