Ngân hàng Nhà nước đề xuất tăng hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

13/07/2020 - 13:44

Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trong thời kỳ hậu COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 (Thông tư 01).

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Yên Bái kịp thời hỗ trợ khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19 nhằm duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tại Dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN theo hướng mở rộng phạm vi nợ được áp dụng cơ chế quy định tại Thông tư 01.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (dự thảo thông tư) kéo dài thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2020 thay vì trước đó Thông tư 01 quy định là từ 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, dự thảo thông tư cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với các khoản giải ngân từ ngày 23/01/2020 đến ngày 24/4/2020. Trước đó, Thông tư 01 chỉ quy định với các khoản nợ trước ngày 23/01/2020.

Đồng thời, dự thảo thông tư cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 khi thực hiện phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại.

TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 vào thời điểm này là cần thiết. Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung thể hiện sự điều hành chính sách linh hoạt, tiếp thu nhanh chóng ý kiến của các tổ chức thương mại cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua.

Với các nội dung này, Ngân hàng Nhà nước không chỉ hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, mà còn giúp các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động trong kế hoạch hỗ trợ khách hàng trong điều kiện Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch COVID-19. Từ đó đáp ứng các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 của cả nước.

Đồng quan điểm này, theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), việc Ngân hàng Nhà nước cho phép mở rộng đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng như không giới hạn số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, về thời gian được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến ngày 31/12/2020, TS. Cấn Văn Lực cho là hợp lý. Khoảng thời gian này bao trùm được các tác động của dịch COVID-19 đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cùng với đó nền kinh tế cả nước cũng đã bước vào giai đoạn bình thường mới từ tháng 5/2020.

“Như vậy, khi trách nhiệm trả nợ giảm bớt, doanh nghiệp có thể tiếp tục vay vốn để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh”, TS. Cấn Văn Lực nói.  

Về phía TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng, ông lại tỏ ra quan ngại với nội dung sửa đổi, bổ sung về việc thực hiện phân loại nợ, nhất là tác động về phía các tổ chức tín dụng.

Theo dự thảo thông tư cho phép tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 khi thực hiện phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ đúng hạn mà không chuyển nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ che giấu rủi ro cho vay đối với các ngân hàng. Ngân hàng có thể không kiểm soát được các khoản nợ xấu, không kip thời trích lập dự phòng rủi ro, tạo lợi nhuận ảo…

Vị chuyên gia này kiến nghị, bên cạnh đề xuất giữ nguyên nhóm nợ, không chuyển nợ, Ngân hàng Nhà nước cần có đồng thời các quy định cụ thể hóa về tiêu chí phân loại nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả nợ đúng hạn theo thời hạn cơ cấu lại, nhằm tránh những rủi ro không đáng có trên thị trường tài chính cũng như giảm hiệu quả của các chính sách.

Trước tác động của dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đề hoạt động sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng gần 260.000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 180.000 tỷ đồng; miễn giảm và hạ lãi suất cho khoảng 421.000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng cho vay mới khoảng 1,1 triệu tỷ đồng cho xấp xỉ 240.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước dịch.

Theo DIỆP ANH (Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích