Lợi thế
Trước tiên, các nhà nhập khẩu đã giảm lượng mua hàng. Giá bán cũng giảm nhiều so với trước, trong khi chi phí logistics tăng lên gấp đôi, gấp ba. Trong nước, biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến sản xuất, thấy rõ nhất là tình trạng con giống thả nuôi bị hao hụt với tỷ lệ cao, dịch bệnh phát sinh nhiều. Giá thức ăn neo ở mức cao, ngư dân sản xuất thua lỗ.
“Giá thành sản xuất 1kg cá tra hiện nay 26.958 đồng, trong khi giá bán chỉ 26.900 đồng. Nếu ngư dân nuôi bị hao hụt trên 30% thì cầm chắc thua lỗ” - ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) chia sẻ.
Trước thực trạng này, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã tìm ra giải pháp tháo gỡ, vực dậy ngành hàng từ lâu trở thành sản phẩm chủ lực của quốc gia. “Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,3 tỷ USD, tăng 27% so năm 2017. Xuất khẩu đạt hiệu quả cao đã giải quyết cho hơn 500.000 lao động có việc làm ổn định, hậu cần cho nghề cá cũng phát triển theo. Đây là ngành nghề quan trọng của vùng, cần tìm giải pháp mang tính bền vững để phát triển…” - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Lê Nghĩa Quốc khẳng định.
Thời điểm năm 1996, An Giang đi đầu trong việc đưa cá basa, cá tra xuất khẩu sang Úc, Hoa Kỳ. Từ việc xung phong “mở đường” của An Giang, các tỉnh trong khu vực đẩy mạnh phát triển nuôi cá với diện tích lớn. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp phát triển nuôi đến 1.788/5.370ha, sản lượng đạt 389.940/1.400.000 tấn của toàn vùng. An Giang nuôi 1.520ha, sản lượng gần 250.000 tấn.
“ĐBSCL có lợi thế rất lớn trong phát triển sản phẩm cá tra. Về kỹ thuật, đến nay, ngư dân đã nuôi đạt hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) rất tốt, từ 2.0 thức ăn cho 1kg cá tăng trọng, nay giảm xuống còn 1.45. Mỗi héc-ta mặt nước có thể nuôi từ 300 - 500 tấn (tùy mật độ thả con giống). Chúng ta đã chủ động được con giống để nuôi phục vụ xuất khẩu. Hàng năm, toàn vùng phát triển nuôi đến 1,4 - 1,5 triệu tấn cá tra” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.
Hạ giá thành nuôi và chế biến là một trong những cách để vượt qua khó khăn, thách thức
Thị trường tiêu thụ gặp khó
Lợi thế là vậy, nhưng thời gian qua, khi cuộc chiến tranh Nga - Ukraina xảy ra, xuất khẩu cá tra lâm vào cảnh khó khăn, thách thức. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 579 triệu USD (trong đó, An Giang xuất 49.900 tấn, tương đương 93,1 triệu USD). Tính chung, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng không đáng kể so cùng kỳ và so thời điểm năm 2018 giảm rất sâu.
4 thị trường xuất khẩu chính của cá tra Việt Nam, gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc - Hồng Kông, EU (Liên minh Châu Âu) và các quốc gia Châu Á đã giảm lượng nhập hàng, kéo theo giá bán giảm mạnh. “Cuối năm 2020, giá cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ đạt từ 5,26 - 7 USD/kg, nay giảm xuống còn 2,8 USD/kg. Sản lượng và giá bán giảm, nhưng yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm lại khắt khe. Hiện nay, sản phẩm này phải cạnh tranh gay gắt với các loại cá thịt trắng, như: Cá Alaska Pollock, Cod, Kake. Với sản phẩm cá tra, Việt Nam không còn cảnh “1 mình, 1 chợ” mà phải chịu sự cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ nhiều quốc gia khác, như: Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Indonesia” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.
Ông Tới cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra vào thị trường Hoa Kỳ giảm 2,2%, EU 13%, Trung Quốc 22%... Để chặn đà suy giảm sản lượng lẫn giá bán, các doanh nghiệp trong tỉnh đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, như: Hạn chế nguồn cung, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm bằng cách tăng cường sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng. Đến nay, có hơn 50 sản phẩm giá trị gia tăng (chả cá basa thì là, cá basa tẩm bột chiên, basa cắt khúc kho tộ…) được đưa ra thị trường trong và ngoài nước.
Tập trung sản xuất
Chia sẻ về những khó khăn trong sản xuất, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng cho biết, tình trạng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến nguồn nước và hoạt động nuôi trồng rất lớn. Hạn kiệt làm một số vùng nuôi bị thiếu nước bơm. Nhiệt độ trong ngày dao động lớn, làm cá dưới ao chậm thích nghi, dễ dẫn đến bị bệnh. “Chi cục đã tham mưu cho Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng cường cảnh báo, đẩy mạnh hướng dẫn cách thức xử lý để hạn chế thấp nhất rủi ro. Khuyến khích ngư dân đẩy mạnh tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất với phương châm sản xuất phải bắt đầu từ thị trường…” - ông Trần Anh Dũng thông tin.
Chính phủ và các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh trong khu vực đã đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, doanh nghiệp. Yêu cầu ngành ngân hàng thực hiện biện pháp giảm lãi suất, giãn hoặc khoanh nợ, tiếp tục bơm vốn để cứu ngành hàng này.
Về lâu dài, để đảm bảo sự phát triển của ngành mang tính ổn định, bền vững, ngành hàng này cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai 7 giải pháp (mang tính đồng bộ) bao gồm: Phát triển con giống, hoàn thiện quy trình nuôi, tăng cường công tác chế biến và bảo quản, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện chính sách để hỗ trợ cho ngư dân. Đồng thời, tiếp tục có biện pháp kiềm chế giá thức ăn thủy sản, đẩy mạnh liên kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và ngân hàng) cùng nhiều giải pháp khác để vực dậy ngành hàng cá tra.
MINH HIỂN