Ngành nông nghiệp Thoại Sơn - thay đổi để phát triển

11/07/2022 - 07:01

 - Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho nông dân.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả

Năm 2021, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện Thoại Sơn đạt 800ha (tăng hơn 400ha so năm 2008). Nhiều nông dân đã chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Nhiều vườn cây ăn trái được đầu tư ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị thương phẩm.

“Sau lần vợ chồng tôi đi Bến Tre thăm người bạn và được tham quan vườn bưởi da xanh, chúng tôi rất hào hứng. Tôi được giới thiệu và tư vấn kỹ thuật tận tình từ cách lên liếp, chọn giống, làm đất, đặt cây và chăm sóc. Sau khi về quê nhà, tôi quyết định chuyển 5,3ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Năm 2016, tôi đặt mua 3.000 gốc bưởi da xanh từ Viện Cây ăn quả miền Nam. Khi ấy, gia đình chỉ biết trồng, kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái còn xa lạ. Để đảm bảo hiệu quả, tôi đã học tập kinh nghiệm từ nhiều nơi và thực hiện canh tác theo hướng VietGAP. Những trái bưởi đầu tiên được thu hoạch, gia đình tôi rất mừng. Vậy là, bao công sức bỏ ra đã được đền đáp vì giá bán trung bình 40.000-50.000 đồng/kg” - bà Lê Thị Hạnh (sinh năm 1958, hội viên Chi hội nông dân ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê) cho biết.

Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm

Lý do gia đình bà Hạnh chọn giống cây trồng này vì có giá trị kinh tế cao. Đây là loại trái cây được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định. Vườn bưởi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, quá trình canh tác, chủ vườn ưu tiên sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng, rơm), hạn chế sử dụng phân vô cơ. Thuốc bảo vệ thực vật phải là chế phẩm sinh học, thuốc nằm trong danh mục cho phép của ngành nông nghiệp.

 “Quá trình canh tác, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất, giá vật tư nông nghiệp tăng… Nhờ sự quan tâm của hội nông dân các cấp, vợ chồng tôi được tham gia nhiều cuộc hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thiết kế vườn và cây ăn trái nên “tay nghề” được nâng lên!” - bà Hạnh chia sẻ.

Với thành công ngoài mong đợi, gia đình bà Hạnh có ý định mở rộng diện tích vườn bưởi da xanh lên 32ha và hợp tác với các hộ xung quanh mở rộng diện tích và thành lập Hợp tác xã bưởi Vọng Thê. “Không chỉ chú trọng về kinh tế, gia đình tôi còn mong muốn hỗ trợ, giúp các hộ nghèo trong xã có việc làm và vươn lên thoát nghèo”- bà Hạnh bày tỏ.

Hiện nay, có 12 lao động ký hợp đồng lao động với gia đình bà Hạnh, thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng. Với diện tích mở rộng 32ha của gia đình bà Hạnh, hứa hẹn sẽ giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 50 lao động và 20 lao động thời vụ của địa phương.

Mô hình sản xuất lúa hiệu quả

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn, những năm qua, đơn vị phối hợp Hội Nông dân huyện tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; đồng thời hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi 0% và trả chậm trong vòng 3 năm để khuyến khích nông dân đầu tư trang bị máy gặt lúa, máy sấy lúa, máy cuốn rơm… Đến nay, việc cơ giới hóa trên đồng ruộng cơ bản hoàn chỉnh, với 394 máy gặt đập liên hợp. Hiện, trên địa bàn huyện có 4 hợp tác xã sử dụng các thiết bị bay trong khâu phun thuốc và bón phân, góp phần giúp nông dân chủ động trong các khâu sản xuất, giảm chi phí và nâng chất lượng sản phẩm.

Ông Phan Đức Minh (Tổ trưởng Tổ sản xuất lúa giống ấp Vĩnh Thắng, xã Vĩnh Khánh) thông tin, tổ được thành lập từ năm 2003. Năm 2004 mới bắt đầu hoạt động hiệu quả do ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời). Hiện, tổ có 40 thành viên, sản xuất 127,6ha lúa giống. Theo phương thức hợp đồng, phía nông dân phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất, phía công ty thu mua sản phẩm lúa tươi theo giá thị trường, có hỗ trợ thêm từ 600-950 đồng/kg lúa tươi.

Ông Cao Văn Hiếu (nông dân ấp Mỹ Giang, xã Thoại Giang) cho rằng, việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP thay đổi tập quán canh tác lúa truyền thống, áp dụng tổng hợp những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Bộ tiêu chuẩn SRP là bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững, gồm 41 tiêu chí và 12 chỉ số đánh giá hiệu quả liên quan đến lợi nhuận, năng suất lao động, chất lượng nước, sự đa dạng sinh học, khí phát thải nhà kính, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và lao động…

Sản xuất theo tiêu chuẩn SRP là xu thế sản xuất mới ở các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL dựa trên nền sản xuất theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” giúp nông dân quản lý lượng nước tưới, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp. Từ đó, việc sản xuất lúa sẽ thích ứng tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, mở ra hướng đi mới giúp phát triển nền nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị kinh tế.

Theo ông Hiếu, qua 4 năm thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, tôi thấy rất hiệu quả. Mô hình mang lại lợi nhuận cao, chi phí thấp, lúa bán được giá hơn, sử dụng tiết kiệm giống, phân bón, thuốc, qua đó bảo vệ thiên địch, ít rủi ro và an toàn sức khỏe cho người lao động. Số lượng lúa giống sử dụng từ 20-25kg/công xuống còn 8-12kg/công.

Sản xuất cây lúa vẫn là thế mạnh của huyện Thoại Sơn. Tổng sản lượng lúa hàng năm trên địa bàn huyện đạt hơn 760.000 tấn, năng suất trung bình tăng qua từng năm, trong đó có hơn 550.000 tấn lúa chất lượng cao.

 

PHƯƠNG LAN