Ngành sản xuất cá tra chờ tín hiệu của thị trường

03/07/2019 - 07:00

 - Có thị trường mới tổ chức sản xuất, đó là điều căn bản trong kinh doanh. Bất cứ ngành hàng nào cũng vậy, nếu áp dụng đúng điều này, đầu ra sẽ rất ổn định. Đối với ngành hàng cá tra, ngư dân thường sản xuất “chạy” theo phong trào nên “cung vượt cầu”, sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Giá bán thấp

Những ngày này, về các địa phương như: Chợ Mới, Phú Tân, An Phú, Châu Phú, TX. Tân Châu… những nơi có diện tích và sản lượng nuôi cá tra nhiều nhất tỉnh, ngư dân phản ánh cá tra đang gặp khó về đầu ra, giá cá thương phẩm thấp hơn giá thành sản xuất, người nuôi bị “thiệt hại kép”. Sản xuất cá tra (cá giống lẫn cá thịt) đang trong tình trạng mất kiểm soát, diện tích nuôi lẫn sản lượng tăng cao, từ đó dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”. Những năm qua, mặc dù nhà nước có nhiều khuyến cáo trong tổ chức sản xuất cá tra, song do chưa có những biện pháp hữu hiệu trong công tác quản lý quy hoạch, cùng với đó là cách thức tổ chức sản xuất ngành hàng còn lỏng lẻo, từ đó đưa đến những hệ lụy khó lường.

Theo ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cái gốc của vấn đề là phải sắp xếp cho được “đầu vào, đầu ra”. Ở đầu ra, nhà nước cần tạo cơ chế để doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu phải gắn kết, hợp tác với nhau để xây dựng chiến lược về giá cả, thị trường, phân khúc khách hàng cho đến khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại nước ngoài. Ở đầu vào, phải tổ chức sản xuất trên cơ sở quản lý được quy hoạch phát triển, chú ý mức tăng trưởng hàng năm phải phát triển vừa đủ với độ mở của thị trường. Đặc biệt, cần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật trên cơ sở thưởng, phạt nghiêm minh. DN, nông dân nào làm đúng thì được thưởng xứng đáng, làm sai thì bị phạt. Cần phân công lao động trong chuỗi ngành hàng theo hướng ngư dân tập trung nuôi cho cá đạt chất lượng cao. DN đầu tư khâu chế biến, thị trường theo hướng chuyên sâu, nghĩa là sản phẩm phải đa dạng phục vụ cho nhiều phân khúc khách hàng; đầu tư thiết bị máy móc để sản xuất ra nhiều mặt hàng giá trị gia tăng, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và phát triển thị trường.

Thị trường đang nghỉ

Cuối tháng 4-2019 đến nay, giá cá tra thương phẩm trên thị trường bất ngờ giảm mạnh làm ngư dân sản xuất “lỗ”. Nhiều người cho rằng, sở dĩ tình trạng này xảy ra là do đa phần ngư dân sản xuất không có kế hoạch, sản xuất còn nặng tính phong trào; chính từ đó xuất hiện tình trạng “cung vượt cầu”. Sản lượng cá nuôi tăng đột biến làm cho thị trường vốn đã khó khăn nay càng thêm khó khăn. “Theo thông lệ, các tháng 4, 5, 6 hàng năm là thời điểm thị trường nghỉ, do đây là những tháng mùa hè, người dân các quốc gia đi du lịch nên các nhà nhập khẩu hạ thấp tỷ lệ nhập hàng, doanh thu xuất khẩu sụt giảm. Đối với thị trường Trung Quốc, do nước này điều chỉnh chính sách nhập khẩu, cá tra xuất qua đường biên mậu được kiểm soát chặt chẽ, từ đó sản lượng sụt giảm đáng kể, việc tiêu thụ cá tra trên thị trường gặp khó khăn” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới phân tích.

Thị trường đang “nghỉ ngơi”, các quốc gia nhập khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam như Trung Quốc, ngoài siết chặt quản lý biên mậu (nhằm hạn chế lượng hàng nhập khẩu), quốc gia này đang đẩy mạnh đầu tư vào con cá tra để cạnh tranh với Việt Nam. Đây là vấn đề mà các DN xuất khẩu cần lưu ý, bởi khi Trung Quốc tập trung phát triển thì cá tra xuất khẩu từ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh về giá thành sản xuất, giá bán trên thị trường xuất khẩu. Ngành sản xuất cá tra của ngư dân ĐBSCL từ đầu năm đến nay đang gặp khó, bởi cá đã tới kỳ thu hoạch nhưng thương lái “làm ngơ”, nếu có mua thì giá chỉ từ 20.500 đồng/kg trở lại; mức giá này làm ngư dân thua lỗ từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Có thể nói, ngành hàng cá tra hiện nay đang rất chờ tín hiệu từ thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Mọi người đang hy vọng sau thời gian “nghỉ ngơi” thị trường nhập khẩu cá tra sẽ phát triển trở lại tại Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Mexico và các thị trường khu vực Châu Á. Ngoài thị trường, người nuôi cá hiện đang chờ sự điều hành linh hoạt từ hiệp hội ngành hàng, các cơ quan quản lý nhà nước để ngành nuôi và xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL phát triển bền vững.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích