Ngành sản xuất rượu champagne của Anh điêu đứng sau Brexit

28/04/2021 - 08:44

Giám đốc điều hành của WineGB, cho rằng chính phủ Anh cần nỗ lực nhiều hơn để giảm bớt các rào cản liên quan đến Brexit khi ngành sản xuất champagne tìm cách thâm nhập thị trường EU.

Một vườn nho ở Anh. (Nguồn: blogs.lse.ac.uk)

Đại diện ngành công nghiệp rượu champagne của Anh mới đây đã kêu gọi chính phủ có biện pháp hỗ trợ trong bối cảnh các rào cản thương mại mới được thiết lập sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - đang đe dọa hoạt động xuất khẩu của ngành này.

Mùa Xuân năm nay có lẽ là một trong những mùa Xuân lạnh giá nhất trong rất nhiều năm trở lại đây tại Ridgeview, khu vực ven biển phía Nam của nước Anh. Đây là nơi mỗi năm sản xuất khoảng 400.000 chai rượu thuộc một số loại rượu champagne theo phương pháp truyền thống được đánh giá có chất lượng hảo hạng nhất tại Anh.

Các công nhân làm việc tại các trang trại trồng nho đã phải túc trực hằng đêm và thắp nến parafin lúc 3h sáng để cứu những chồi non mới nhú trên các cây nho. Nhưng ông Brandon Barnham, Giám đốc bán hàng tại Ridgeview, cho rằng không chỉ nhiệt độ lạnh giá là nguyên nhân "kéo tụt" tăng trưởng của ngành sản xuất rượu champagne.

Gần 4 tháng sau khi các thỏa thuận thương mại hậu Brexit mới có hiệu lực, đại diện ngành công nghiệp sản xuất rượu champagne của Anh, được gọi vui là “nước trái cây Brexit," phàn nàn rằng các chi phí mới và thủ tục quan liêu đang cản trở các kế hoạch xuất khẩu trong tương lai.

Ông Barnham cho biết: “Thực sự rất khó để tìm được các công ty vận chuyển hàng hóa cung cấp dịch vụ vận chuyển một thùng gỗ đựng rượu (pallet) sang EU."

Trong khi đó, WineGB, hiệp hội thương mại rượu vang Anh và xứ Wales, đã ước tính rằng các yêu cầu về giấy tờ hải quan và nhãn mác mới đối với hàng nhập khẩu vào EU đã khiến giá thành một chai rượu champagne của Anh bán lẻ tại châu Âu tăng thêm 5 bảng và tăng thêm từ 8-10 bảng nếu bán trong nhà hàng.

Trong khi xuất khẩu rượu champagne của Anh vẫn ở mức khiêm tốn, cơ quan thương mại Anh cho biết ngành công nghiệp này đã tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2019 và đang phát triển nhanh chóng sau đợt đầu tư trồng 6 triệu cây nho tại miền Nam nước Anh trong 5 năm qua.

Sản lượng hằng năm cũng đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2017 lên hơn 10 triệu chai mỗi năm và có thể đạt 25 triệu chai mỗi năm vào cuối thập kỷ này với lượng xuất khẩu hằng năm là 3,75 triệu chai, tăng gấp 7 lần so với mức hiện tại.

Tuy nhiên, ông Simon Thorpe, Giám đốc điều hành của WineGB, cho rằng chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn để giảm bớt các rào cản liên quan đến Brexit khi ngành sản xuất champagne tìm cách thâm nhập thị trường EU.

Ông Duncan Brown, Phó Chủ tịch phụ trách xuất khẩu của WineGB, cho biết các thủ tục giấy tờ hậu Brexit, bao gồm giấy chứng nhận tự xuất khẩu rượu vang và biểu mẫu T1 cho các chuyến hàng quá cảnh EU, đã làm đội chi phí lên đáng kể. Rượu vang khi xuất sang EU cần có nhãn mới để đáp ứng các yêu cầu của EU.

Ngoài ra, yêu cầu về thông tin chi tiết của nhà nhập khẩu và cảnh báo sức khỏe bằng ngôn ngữ địa phương và phù hợp với tiêu chuẩn địa phương cũng sẽ làm tăng thêm chi phí.

Hiện tại, Na Uy là điểm đến hàng đầu cho rượu champagne của Anh, chiếm 20% tổng lượng xuất khẩu, tiếp đến là Thụy Điển và Đan Mạch lần lượt chiếm 7% và 4%. Đây được xác định là những thị trường có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Ông Simon Thorpe nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ muốn phát triển các thị trường đó, bao gồm cả các thị trường thu mua rượu champagne truyền thống trong những năm tới, vì vậy cần phải có một giải pháp cho những vấn đề này. Điều này phải được giải quyết thì chúng tôi mới có thể phát huy hết tiềm năng xuất khẩu của mình."

Về phần mình, ông Barnham cho rằng những khó khăn trong giao dịch với EU cũng làm phức tạp thêm việc xuất khẩu sang các khu vực không thuộc EU, do phải trung chuyển qua EU.

Đối với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản, hàng xuất khẩu được gửi qua các trung tâm xuất khẩu bên trong thị trường chung EU.

Góp phần vào sự bùng nổ của ngành sản xuất rượu champagne của Anh là các nhà sản xuất rượu champagne của Pháp như Taittinger và Pommery đã đầu tư vào các vườn nho tại Anh như ở Kent, Sussex và Hampshire nhằm tận dụng khí hậu mát mẻ hơn và mùa trồng trọt kéo dài hơn./.

Theo VÂN HẢI (Vietnam+)