Ngành thực phẩm và đồ uống tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch COVID-19

09/05/2022 - 07:53

Mặc dù bị ảnh hưởng kéo dài 2 năm do dịch COVID-19 nhưng doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống (doanh nghiệp F&B) vẫn có doanh th

Doanh thu quý I/2022 tăng mạnh

Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 91% doanh nghiệp F&B cho biết bị ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng trong 2 năm (2020 – 2021) do dịch COVID-19 và mãi đến quý 1/2022, doanh nghiệp F&B mới thực sự hồi phục trở lại.

Ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022 nhờ linh hoạt chuyển đổi số.

Để đạt được kết quả khả quan và phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp F&B đã linh hoạt thích ứng, chuyển đổi số để “mở đường” cho hoạt động kinh doanh, tiến đến tăng trưởng và phát triển bền vững.

Số liệu thống kê ngành F&B qua nền tảng thanh toán Payoo cho thấy, tính đến hết quý 1/2022, doanh thu ngành này đã tăng gấp rưỡi so với quý 4/2021. Tổng số lượng giao dịch tăng 24% so với quý trước đó.

Tương tự, theo thống kê được đưa ra bởi Gojek tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, doanh nghiệp F&B đã có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể trong xu hướng người dân sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng khi lượng đơn hàng đặt qua GoFood (ứng dụng đặt món của Gojek) trong quý 1/2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Riêng tại Hà Nội, tốc độ tăng trưởng lên tới 220%. Đáng chú ý, tần suất đặt món trực tuyến tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số hàng triệu người dùng Gojek, trung bình mỗi khách hàng cứ 5 ngày lại đặt một đơn đồ ăn GoFood trong quý I/2022. Nước uống được người tiêu dùng đặt nhiều nhất là trà sữa, dẫn đầu trong danh mục đồ uống được đặt hàng nhiều nhất trên GoFood tại cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong năm 2022. Đặc biệt, đa số các món ăn được đặt nhiều nhất trên nền tảng này là các món thuần Việt như cơm gà, gỏi cuốn, bún, mì…

Đáng chú ý, các doanh nghiệp F&B ngày càng ưa chuộng giải pháp thanh toán toàn diện để thích ứng với xu hướng của người tiêu dùng, nhất là từ khi dịch COVID-19, nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao. Theo đó, các doanh nghiệp F&B đã kết nối với nhiều giải pháp thanh toán không tiền mặt để đáp ứng với nhu cầu và xu hướng của người tiêu dùng.

Cụ thể, mới đây đã có hơn 400 cửa hàng của các thương hiệu ngành F&B như Haidilao, Jollibee và Highlands Coffee, Gongcha… triển khai giải pháp chấp nhận mọi thanh toán thông qua nền tảng Payoo. Theo đó, khách hàng có thể thanh toán bằng bất kỳ phương thức thanh toán nào như thẻ nội địa, thẻ quốc tế, quét mã QR của hơn 40 ngân hàng và ví điện tử phổ biến trên thị trường, thậm chí cả các phương thức thanh toán mới nổi như thanh toán không tiếp xúc.

Hứa hẹn bùng nổ trong năm 2022

Theo báo cáo mới của Công ty chứng khoán VNDIRECT, ngành thực phẩm và đồ uống sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa.

Thanh toán không tiếp xúc là một trong 4 xu hướng giúp các doanh nghiệp F&B tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Cụ thể, các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý 2/2022, sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số. Hơn nữa, tiêu dùng sẽ tăng trở lại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ.

Theo đó, thu nhập thực của người dân được cải thiện với dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ, trong khi lạm phát dự kiến tăng 3,45% so với cùng kỳ vào năm 2022, đạt mục tiêu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát dưới 4,0%. Du lịch hồi sinh sau khi các chuyến bay quốc tế được cấp phép cho mục đích thương mại kể từ quý 1/2022, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch, giải trí, lưu trú và ăn uống.

Ngoài ra, Chính phủ có thể tung ra gói kích thích tài khóa lớn hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung vào: trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) và gia tăng đầu tư công vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội. Các chính sách này nhằm phục hồi cầu tiêu dùng trong nước.

Trong khi đó, theo báo cáo của Decision Lab (nhà cung cấp giải pháp đánh giá và tối ưu hóa marketing số tại Việt Nam), thế hệ gen Z (1997 – 2012) sẽ là thế hệ thúc đẩy ngành F&B phát triển trong tương lai. Mặc dù những đối tượng này có thu nhập không quá cao, nhưng đây là thế hệ sở hữu nhiều cá nhân sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của ngành F&B nhiều nhất. Họ sẵn sàng chi một khoản tiền lớn cho việc ăn uống (900.000 đồng/tháng). Đây cũng là nhóm đối tượng hàng đầu mà các địa điểm ẩm thực quốc tế săn đón.

Số liệu doanh thu ngành F&B nửa đầu tháng 4/2022 cũng phần nào phản ánh xu hướng này, khi mức tăng trưởng đạt gần 40% so với cùng kỳ quý 1/2022 và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ quý 4/2021.

Một số tổ chức quốc tế và trong nước cũng dự báo, ngành F&B có tiềm năng tăng trưởng lớn. Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc cho biết, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026. 

Bốn xu hướng phát triển ngành F&B trong bối cảnh bình thường mới

Thứ nhất, thực phẩm lành mạnh. Bởi sau dịch COVID-19, người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính kích thích sự trỗi dậy của các xu hướng ăn uống healthy. Theo đó, các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành F&B tại Việt Nam có thể tận dụng để khai thác vào ngách thị trường đồ ăn vặt lành mạnh, thực phẩm xanh… để thu hút khách hàng tiềm năng.

Thứ 2, món ăn đã qua sơ chế và quy trình hoạt động tự phục vụ “self service”. Hiện nay, các nhà hàng kinh doanh truyền thống đã vận dụng quy trình hoạt động tự phục vụ và bán thêm các món ăn được sơ chế sẵn nhằm gia tăng doanh thu cho doanh nghiệp của mình. Khách hàng cảm thấy thích thú và hài lòng với các sản phẩm đóng hộp sẵn, điển hình là các sản phẩm của Pizza 4P’s, The Coffee House… được rất nhiều khách hàng lựa chọn mang về để thưởng thức.

Thứ 3, phát triển hình thức phục vụ đa kênh. Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù hình thức bán hàng online đã phát triển rất mạnh mẽ và phổ biến trong 2 năm xảy ra dịch COVID-19, tuy nhiên phần lớn khách hàng Việt Nam vẫn ưa chuộng hình thức tự phục vụ tại chỗ hơn. Như vậy, để tối đa lợi nhuận và tiếp cận với lượng khách hàng lớn, các doanh nghiệp F&B nên triển khai bán hàng theo hình thức bán hàng đa kênh. 

Thứ 4, thói quen thanh toán hiện đại. Theo một khảo sát về “Chỉ số thanh toán mới năm 2021” của Mastercard, có tới 84% người tiêu dùng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận thấy khả năng tiếp cận các hình thức thanh toán mới của họ đang tăng lên đáng kể. Trong khi đó, có 88% người dùng đã sử dụng ít nhất một hình thức thanh toán mới vào năm ngoái.

Theo HẢI YÊN (Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích