Ngành thuế An Giang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ

30/01/2023 - 06:46

 - Năm 2022, ngành thuế An Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, năm 2023, ngành thuế tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện thu ngân sách nhà nước vượt dự toán do Bộ Tài chính và HĐND tỉnh giao.

Năm 2022, bức tranh kinh tế - xã hội của An Giang có nhiều khởi sắc, tỉnh thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,87%. Góp phần vào thành tựu chung của tỉnh, ngành thuế đã nỗ lực, sáng tạo, tâm huyết, “đi xuyên” qua khó khăn, thực hiện thu ngân sách nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng, đạt 118% so dự toán HĐND tỉnh giao, đạt 101% so dự toán Bộ Tài chính giao.

Thời gian qua, ngành thuế đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế thông qua tăng cường cung cấp các dịch vụ thuế điện tử, triển khai ứng dụng eTax Mobile trên điện thoại thông minh, giúp cá nhân, hộ kinh doanh chủ động hơn trong việc tra cứu các thông tin về thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và thực hiện nghĩa vụ thuế dễ dàng, nhanh chóng.

Năm 2022, tỉnh hoàn thành chỉ tiêu 100% người nộp thuế thuộc diện phải chuyển đổi sang thực hiện hóa đơn điện tử. Đây là bước đột phá của ngành thuế, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp (DN) và thực hiện chiến lược Chính phủ điện tử.

“Khi ngành thuế thực hiện chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử và thực hiện chương trình kê khai, nộp thuế điện tử kết nối với hệ thống ngân hàng đã giúp DN, người dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Ngoài ra, thông qua dịch vụ công trực tuyến còn giúp tiết kiệm nhiều thời gian nên DN và người dân đã tích cực thực hiện TTHC thuế bằng điện tử do ngành thuế cung cấp. Phương thức quản lý này đã đi trước một bước về cải cách TTHC, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đặt ra” - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh An Giang Trần Văn Phước thông tin.

Tuyên dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế

Tại hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, năm 2023, tình hình trong nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, ngành thuế tỉnh cần phát huy những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thu thuế.

Trong đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế bằng nhiều hình thức. Thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại, hướng dẫn DN khởi nghiệp, tập huấn chính sách thuế mới, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và DN, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý thuế.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy đề nghị, ngành thuế tỉnh tiếp tục cải cách TTHC, tăng cường công tác quản lý hóa đơn điện tử, đặc biệt là hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính. Quản lý và triển khai có hiệu quả các chuyên đề chống thất thu ngân sách trên lĩnh vực tài nguyên, vận tải, xây dựng, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam. Tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tuân thủ thực hiện theo đúng chính sách, pháp luật nhà nước, quy định của ngành thuế. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ chính sách mới về thuế, phí và lệ phí, theo dõi diễn biến tình hình sản xuất - kinh doanh trên địa bàn để tham mưu cấp thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho DN, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao trong năm 2023, ngành thuế tỉnh sẽ rà soát lại toàn bộ nguồn thu trên địa bàn, giao nhiệm vụ thu hàng tháng, hàng quý cho từng đơn vị quản lý thu thuế sát với thực tế phát sinh. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, khu vực thu, từng sắc thuế để xây dựng phương án chỉ đạo, điều hành thu phù hợp.

Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và giảm nợ đọng thuế. Tiếp tục triển khai các biện pháp, giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 889/CĐ-TTg, ngày 1/10/2022.

Trong đó, tập trung xây dựng cổng tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử trong nước theo phương thức tự động và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế về thương mại điện tử. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc kê khai thuế, rà soát, đối chiếu, xác định chính xác số DN đang hoạt động để đưa vào quản lý.

Ngành thuế tỉnh sẽ đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu hóa đơn điện tử trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Theo dõi, giám sát hoạt động của hệ thống hóa đơn điện tử, đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt, không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh của DN, tổ chức, hộ kinh doanh. Thực hiện tốt hệ thống cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và triển khai ứng dụng eTax Mobile đến người nộp thuế. Đặc biệt, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức, viên chức thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

MỸ LINH